TextBody

, 23/12/2024

Huy chương 2

Hà Nội "rót" 50 tỷ đồng chống hạn

09/12/2010

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Trung Ương, vụ Đông Xuân 2010 - 2011, mực nước sông Hồng có thể lặp lại mức thấp nhất trong lịch sử đã xảy ra năm 2010 (tức 0,1m), khô hạn ở miền Bắc sẽ càng gay gắt 

Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, ngay từ đầu tháng 10/2010 Hà Nội đã kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình thủy lợi sau mùa mưa lũ và triển khai công tác chống hạn vụ ĐX 2010-2011. Theo ông Đông sau khi sáp nhập, Hà Nội đã kiện toàn 5 đơn vị khai thác công trình thủy lợi gồm Cty TNHH Đầu tư phát triển Thủy lợi: Hà Nội, Sông Đáy, Sông Nhuệ, Mê Linh và Cty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích; đồng thời đã cải tạo và nâng cấp 71 trạm bơm tưới…

Hà Nội triển khai công tác chống hạn vụ ĐX 2010-2011 ra sao, thưa ông?

 

Nói về chống hạn thì từ 2001 đến nay, năm nào chúng tôi cũng phải “chống”. “Đến hẹn lại lên”, vụ ĐX 2010-2011 cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo hạn sẽ khốc liệt hơn. Hiện nay mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ đạt 0,7m, các hồ chứa trên địa bàn đều thấp hơn so với mức thiết kế; cụ thể hồ Đồng Mô chỉ đạt 51% dung tích, hồ Suối Hai đạt 64%, các hồ chứa khác đều thấp hơn mực nước thiết kế từ 0,5-1m...

Do mực nước các sông hồ quá thấp sẽ không đủ nước tưới nên 5 Cty thủy lợi đã lắp đặt thêm máy bơm dã chiến ở khu vực Gia Lâm, Sóc Sơn, Phú Xuyên. Riêng vùng lấy nước từ sông Nhuệ là khó khăn nhất, nên đã lắp đặt bổ sung 5 máy công suất 1.000m3/h tại trạm bơm Bá Giang (nâng tổng số trạm này có 30 máy dã chiến) để bơm nước sông Hồng cấp cho sông Nhuệ; lắp thêm 15 máy tại trạm bơm Xuân Phú (nâng tổng số trạm này là 25 máy) để lấy nước sông Hồng vào sông Đáy qua hệ thống Cẩm Đình - Hiệp Thuận…

 Như vậy, ngoài 64 trạm bơm tưới với 244 máy bơm dã chiến đã được đầu tư từ những năm trước, để chống hạn vụ ĐX 2011 Hà Nội tiếp tục đầu tư lắp đặt bổ sung thêm 51 máy nữa ở 7 trạm bơm với tổng số là 282 máy bơm dã chiến.

Các giải pháp chống hạn cụ thể thế nào?

 

Vụ ĐX 2011 toàn thành phố có kế hoạch gieo cấy 128.800 ha, trong đó 102.000 ha lúa. Theo giả định của chúng tôi, nếu các hồ thủy điện xả nước đảm bảo theo dự kiến là 2 đợt (đợt 1 từ 27/1 đến 1/2/2011, đợt 2 từ 8/2 đến 14/2/2011), mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt từ 2-2,3m thì hạn sẽ không quá nghiêm trọng, dự báo toàn thành phố có khoảng 12.700 ha khó khăn về nguồn tưới.

Còn theo giả định thứ hai, kế hoạch xả nước hồ thủy điện không đảm bảo theo dự kiến, chỉ xả đợt 1 hoặc không xả, mực nước sông Hồng đạt dưới 2m; thời gian không xả từ 0,5-1,5m. Khi đó mức độ hạn sẽ rất nghiêm trọng, dự báo Hà Nội sẽ có 29.600 ha khó khăn về nước tưới. Khi đó trạm bơm Phù Sa, Xuân Phú, Bá Giang phải lắp máy bơm dầu để bơm vét cục bộ và thực hiện triệt để phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho khu vực cuối nguồn.

Theo tôi trong cả hai tình huống giả định, giai đoạn tưới dưỡng sẽ rất khó khăn nếu không có nguồn bổ sung. Vì vậy cần tận dụng triệt để tiết kiệm nước, giữ nước trên các trục kênh, ao, hồ, đầm cho tưới dưỡng; chỉ tháo dỡ các trạm bơm dã chiến sau khi đã hoàn thành việc tưới dưỡng. Như đã nói, với tình huống giả định thứ hai sẽ rất khó khăn cho việc cấp nước, đặc biệt là hệ thống sông Nhuệ cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng sớm để tránh hạn.

Việc đầu tư cho 71 trạm bơm tưới với 282 máy bơm dã chiến, liệu Hà Nội có khả năng chống hạn hiệu quả?

 

Phải nói rằng từ khi hợp nhất, Hà Nội đã đầu tư đáng kể cho công tác chống hạn, riêng trong năm 2009 đã giải ngân 182 tỷ đồng lắp đặt máy bơm dã chiến, cải tạo hệ thống tiêu úng, nạo vét kênh mương nội đồng… Năm nay sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 50 tỷ để chống hạn. Đây là việc đầu tư có ý nghĩa đảm bảo an sinh xã hội, số tiền chưa đáng là bao so với việc xây dựng một công trình thủy lợi cả trăm ngàn tỷ đồng.

Còn việc chống hạn có hiệu quả hay không thì phải phụ thuộc nguồn nước. Nếu không có nước để xả thì dù lắp thêm cả trăm máy bơm nữa vẫn “chịu chết” thôi. Về phương án lâu dài, theo tôi phải xây dựng lại toàn bộ các trạm bơm ven sông Hồng, nâng cấp các hồ chứa lớn, nạo vét sông Đáy, xây dựng cống Liên Mạc mới…

Như ông đã nói, theo giả định 1 sẽ có 12.700 ha thiếu nước. Vậy Hà Nội có khả năng chuyển đổi được bao nhiêu diện tích?

 

Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo vụ ĐX các địa phương khó khăn về nước cần chuyển đổi cơ cấu từ 10-15% diện tích sang cây trồng cạn. Để đối phó hạn hán, năm nào chúng tôi cũng hô hào những địa phương ở cuối nguồn cần chuyển đổi cây trồng, song do tập quán canh tác và chưa có cơ chế hỗ trợ nên dân chưa làm. Hiện UBND TP đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tài chính xây dựng chính sách hỗ trợ để địa phương chuyển đổi…

Xin cảm ơn ông!

Theo nongnghiep

Ý kiến góp ý: