TextBody

, 14/12/2024

Huy chương 2

Miền Trung "chịu" được bao nhiêu thủy điện

05/11/2009

Với hệ thống thủy điện bậc thang dày đặc như ở miền Trung, nếu cứ liên tục khởi công mà không có sự nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường theo hướng bền vững ắt sẽ xóa sổ diện tích rừng rất lớn, làm triệt tiêu chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng, dẫn đến hậu quả sạt lở núi và những trận lũ lụt lịch sử nối tiếp, nhấn chìm vùng đồng bằng hạ lưu.

A Lăng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, là người con của đồng bào Cơ Tu, bày tỏ lo lắng khi nói chuyện với chúng tôi về hàng loạt dự án thủy điện được khảo sát, bố trí dày đặc trên dòng sông Bung, trong đó Thủy điện Sông Bung 4 đang khẩn trương triển khai một số hạng mục để chuẩn bị cho khởi công vào năm 2010.

Theo lời ông A Lăng Mai, xã Zuôi của Nam Giang có 6 thôn, với hơn 2.000 dân, thì 5 thôn đã nằm gọn trong vùng qui hoạch, giải tỏa xây dựng Thủy điện Sông Bung 4. Để giải tỏa di dời đồng bào xã Zuôi ra khỏi vùng qui hoạch dự án, Ban quản lý Thủy điện Sông Bung 4 đã có thiết kế 4 khu tái định cư (TĐC), gồm: Pa Dinh, Pà Dăng và Pa Rum A, B.

Tuy nhiên, sau khi đi thực tế một số khu TĐC để làm thủy điện ở các huyện Phước Sơn, Đông Giang, lãnh đạo huyện Nam Giang đề nghị Ban quản lý Thủy điện Sông Bung 4 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng mô hình nhà ở cho dân phải có vườn tược để phát triển chăn nuôi.

 

Đối với công trình trường học phải tầng hóa trường THCS tại các khu hành chính và tăng số phòng từ 8 đến 10 phòng học đảm bảo đúng tiêu chuẩn xây dựng theo qui định của Bộ GD-ĐT. Về công trình y tế, phải bổ sung xây dựng hệ thống xử lý và bể chứa nước thải y tế (từ 2-3m3) để không ảnh hưởng đến dân sinh; xây dựng phòng khám sơ cấp cứu cho các khu TĐC ở xa trạm y tế xã…    

Nhưng, cũng như bao lãnh đạo khác của những huyện miền núi Quảng Nam, ông A Lăng Mai quan ngại về việc cho triển khai quá nhiều dự án thủy điện ở các con sông thượng nguồn. Chỉ tính ở huyện Nam Giang có đến 12 thủy điện lớn, nhỏ; riêng trên sông Bung có các thủy điện: Sông Bung 4, Sông Bung 2, Sông Bung 5, Sông Bung 6; rồi Sông Bung 3A, 3B, 3C…

Hệ thống thủy điện bậc thang dày đặc như thế, nếu cứ liên tục khởi công mà không có sự nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường theo hướng bền vững ắt sẽ xóa sổ diện tích rừng rất lớn, làm triệt tiêu chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng, dẫn đến hậu quả sạt lở núi và những trận lũ lụt lịch sử nối tiếp, nhấn chìm vùng đồng bằng hạ lưu. Và không ai khác, con người phải hứng chịu sự cuồng nộ của thiên tai…  

Vậy có bao nhiêu thủy điện là đủ?

Để tìm hiểu, chúng tôi làm việc với Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, và được biết: Về thủy điện, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 63 dự án đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.640 MW; trong đó thủy điện bậc thang ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt 10 dự án, với tổng công suất 1.094 MW. Còn lại 53 dự án thủy điện vừa và nhỏ mà Bộ Công thương đã thỏa thuận và UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt qui hoạch, gồm 53 dự án, có tổng công suất 545,6 MW.

Tuy nhiên, có 5 dự án (38,5 MW), do ảnh hưởng trực tiếp đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nên chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đã kịp thời dừng cho phép nghiên cứu đầu tư, loại khỏi qui hoạch. Như vậy, thủy điện vừa và nhỏ còn lại 48 dự án, có tổng công suất 507,1 MW.

Qua kiểm tra của Sở Công thương cho thấy, trong số thủy điện bậc thang, đã có 2 công trình phát điện là A Vương 1 và Sông Côn 2; 2 công trình thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4 đang trong quá trình xây dựng, dự kiến phát điện vào năm 2010-2011.

Còn lại 6 dự án đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, gồm: Sông Bung 2, 4, 5 ,6; Đăk Mi 2, 3. Về thủy điện nhỏ và vừa, trong số 48 dự án thì đã có 4 công trình phát điện, đó là: Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng và Za Hung…

Kỳ vọng gì của hệ thống thủy điện chi chít, dày đặc ở các dòng sông thượng nguồn? Theo nghiên cứu của Trung tâm quốc tế về Quản lý môi trường (ICEM), không thể cho rằng hệ thống thủy điện bậc thang sẽ làm hạn chế tình hình lũ lụt ở hạ lưu. Vì các hồ chứa và các thủy điện được lập kế hoạch đơn giản phục vụ mục đích phát điện, công suất hồ chứa lớn nhất cũng chỉ ở mức trung bình 100-500 triệu m3.

Dòng chảy lũ đầu mùa sẽ được các hồ chứa giữ lại; nhưng vào các đợt lũ chính với lượng mưa quá lớn thì các hồ chứa phải xả lũ và như vậy khả năng giảm lũ lụt quá ít. Các nhà khoa học cũng từng cảnh báo đến việc xả lũ không hợp lý sẽ dẫn đến sự cố lũ lụt không mong muốn gây thiệt hại về người và tài sản. Và cảnh báo này trở thành sự thật với bằng chứng về trận lũ lụt lịch sử ở vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn trong bão số 9 vừa qua…

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc qui hoạch hệ thống thủy điện bậc thang sẽ tạo ra nhiều con đập trên một dòng sông, ảnh hưởng lưu lượng dòng chảy, từ đó ngăn cản động vật thủy sinh di cư một cách bình thường. Như thế, qui hoạch này dường như tăng thêm các xu hướng nghèo kiệt đa dạng sinh học và thủy sản.

Đó là chưa kể dòng chảy thay đổi là biến đổi sinh cảnh tự nhiên, tăng sự xâm nhập mặn của nước biển vào đất liền; đồng thời các hồ chứa cũng làm bồi lắng phù sa (bùn đất) làm nghèo các đồng ruộng của nông dân ở hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn…

Đặc biệt, việc chặt trắng rừng để xây dựng hàng loạt hồ, đập; nhất là những hồ chứa lớn sẽ làm triệt tiêu chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng, dẫn đến xói mòn, sạt lở núi và lũ lụt nặng nề hơn ở hạ lưu... 

Theo ý kiến của ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, thì tỉnh Quảng Nam ủng hộ chủ trương phát triển thủy điện nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế quốc gia và mang lại giá trị kinh tế thuần túy cho địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện cần quan tâm đến hướng bảo vệ môi trường sinh thái, cần có các nghiên cứu khoa học nhằm bổ sung và điều chỉnh kế hoạch, chiến lược theo hướng phát triển bền vững trên toàn bộ lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, điều chỉnh hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư phát triển thủy điện cần quan tâm về vấn đề xung đột mâu thuẫn giữa các bên liên quan, tránh tình trạng gây áp lực xã hội, môi trường do đầu tư phát triển thủy điện đối với chính quyền các cấp.

Theo cand online

 

Ý kiến góp ý: