TextBody

, 14/10/2024

Huy chương 2

Miền Trung - sông "đói" nước

22/03/2010

Tác động môi trường sinh thái của các nhà máy thủy điện miền Trung không nhỏ, thậm chí gây xung đột về nguồn nước đối với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hạ lưu.

Sông " chết" ngay bên thân đập

Là hồ điều tiết năm, hồ chứa Thủy điện A Vương tích nước chủ yếu trong 3 tháng mùa lũ chính vụ (10 - 12) và xả nước qua 2 tổ phát điện vào mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm). Mặc dù lưu lượng nước xả qua 2 tổ máy phát điện xuống hạ lưu lớn hơn lượng nước về hồ, làm tăng dòng chảy ở hạ du vào mùa kiệt, nhưng công trình này đã "đẻ" ra từ 8 - 10 km sông chết kể từ cửa xả về hạ du. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sinh thái bao gồm cả đa dạng sinh học, thủy sinh và mực nước ngầm trên suốt chiều dài sông chết.

Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 đang trong quá trình thi công nhưng đã khiến cho Đà Nẵng và Quảng Nam lên tiếng "đòi nước" trong mùa kiệt. Theo quy hoạch nếu tất cả các nhà máy trên lưu vực sông Ba được thi công đúng trình tự, thì nước hạ lưu sông Ba sẽ nhiều hơn khi chưa có thủy điện. Tiếc rằng điều đó không được tuân thủ, và việc bậc thang Thủy điện Đăk My 4 xây dựng trước đang trở thành mối lo thiếu nước mùa kiệt hạ du, làm tăng mức độ xâm nhập mặn đối với Đà Nẵng, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt.

Tương tự như vậy, tại Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ, theo báo cáo chính thức có 3 cây số sông chết, nhưng thực tế còn lớn hơn nhiều.  Lãnh đạo nhà máy cho rằng đoạn sông chết này không ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp vì trên lưu vực ít đất đai canh tác. Tuy nhiên điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mực nước ngầm, đến đa dạng sinh học và thủy sinh .

Chưa tuân thủ đầy đủ cam kết bảo vệ môi trường

Các nhà máy thủy điện đang trong quá trình xây dựng hoặc đã vận hành đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong quá trình xây dựng đã thực hiện những cam kết về thu dọn lòng hồ, đăng ký chủ nguồn thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn, nước thải sinh hoạt.

Tuy nhiên, việc thực hiện những cam kết này vẫn chưa đẩy đủ. Công ty cổ phần Thủy điện A Vương đã thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ, thu dọn lòng hồ trước khi tích nước, rà phá bom mìn, xử lý chất độc OB, đăng ký chủ nguồn thải... Nhưng cho đến nay vẫn chưa tiến hành đánh giá tác động tổng thể của nhà máy đến môi trường. Ban lãnh đạo nhà máy cũng đang lo lắng về hiện tượng bồi lắng lòng hồ quá nhanh.

Đặc biệt, Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4, có triển khai một số biện pháp giảm thiểu tác động đến chất lượng môi trường đất, nước và không khí, nhưng vẫn còn nhiều hành vi vi phạm hành chính. Qua kiểm tra thực tế, ngày 6/8/2009, Thanh tra Sở TN&MT ra quyết định xử phạt 13,35 triệu đồng trong lĩnh vực tài nguyên nước và UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 38 triệu đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Riêng việc trồng bù rừng bị mất tại các nhà máy cũng là vấn đề đáng lo ngại. Ngoài khó khăn về việc xác định quỹ đất trồng rừng, hiện hầu như tiến độ trồng bù rừng tại các công trình đều chậm trong khi các nhà máy thủy điện Ba Hạ, Krông HNăng tại Phú Yên phải trồng bù khoảng 5.000ha rừng; các nhà máy A Vương và Đăk Mi 4 phải trồng khoảng 544 ha rừng... Nếu việc trồng bù rừng không được tiến hành khẩn trương, nguy cơ thiếu nước, lũ lụt, đe dọa an toàn hồ chứa và lưu vực vẫn còn "lơ lửng" trên cả địa bàn miền Trung vốn đã khắc nghiệt .

Nguồn: monre.gov.vn

 

Ý kiến góp ý: