Nhiều vùng ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam "chìm" trong nước lũ
09/11/2011Liên tiếp trong những ngày qua, tại Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, gây ngập úng trên diện rộng. Lượng mưa lớn tiếp tục kéo dài ở vùng thượng nguồn các huyện Nam Đông, A Lưới khiến vùng hạ du phải hứng chịu cơn lũ lớn nhất kể từ đầu năm đến nay.
Theo Phó trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN Thừa Thiên - Huế Trần Kim Thành, tính đến cuối ngày 8-11, mưa lũ đã làm 36 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, từ 0,2 đến 1,5m. Toàn tỉnh đã triển khai di dời 1.150 hộ với 4.525 khẩu. Do ảnh hưởng mưa lũ nên học sinh tại 500 trường học với hơn 280 nghìn học sinh ở các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và TP Huế phải nghỉ học. Ngoài ra, các tuyến tỉnh lộ 4, 6, 17, và 4B, 8A, 8B qua địa phận các huyện Quảng Ðiền, Phong Ðiền, Hương Trà đều ngập trung bình từ 0,5 đến 1,2m. Bà Nguyễn Thị Yến (42 tuổi), trú tại phường Xuân Phú (TP Huế) cho biết: "Do lượng mưa không lớn nên gia đình tôi chủ quan, không chuyển đồ đạc lên cao. Ai ngờ, trong đêm 7-11, nước lũ về mạnh, cả nhà đã phải sang nhà hàng xóm tá túc. Ðến sáng 8-11, ngôi nhà của tôi đã chìm trong biển nước không thể vô lại".
Ðường sắt tại khu Văn Xá bị ngập 30 đến 50cm nên có bốn đoàn tàu SE1, SE3, SE5 và SE19 bị kẹt tại ga Hiền Sỹ, huyện Phong Ðiền và đoàn tàu SE8 bị kẹt tại ga Huế với hơn 230 khách. Ông Nguyễn Quang Tiến, Ban điều hành phòng khách vận ga Huế cho biết: "Do ảnh hưởng của mưa lũ, các chuyến tàu từ SE5 đến SE20 chưa thể lưu thông. Hàng trăm hành khách bị mắc kẹt. Do đợi tàu không được, một số khách đã lên ga Huế trả lại vé để tìm phương tiện khác. Trong ngày 8-11, nhà ga tạm ngừng bán vé để hành khách chủ động tìm phương tiện khác". Theo Trưởng ga Huế Nguyễn Văn Minh, đoạn đường sắt từ ga Văn Xá về Huế cũng bị ngập, các tàu không thể qua được. Ngoài địa bàn Thừa Thiên - Huế, đường sắt tại ga Ðông Hà (Quảng Trị) và ga Kim Liên (Ðà Nẵng) cũng bị ngập, tàu bị cấm lưu thông. Ðến 15 giờ chiều 8-11, do nước lũ rút dần nên các đoàn đã lưu thông trở lại".
Mưa lũ còn gây tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Trên sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bù Lu sạt lở nặng đến 10,5 km. Việc sạt lở bờ sông đã gây ảnh hưởng cho hơn 210 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp và làm mất khoảng 5,1 ha đất ở, đất sản xuất nông nghiệp dọc bờ sông, gây hư hỏng các tuyến đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng dọc sông. Tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, từ ngày 6 đến 8-11, do nước lũ lên nhanh, chảy xiết làm khu vực đội 5, thôn Long Hồ Thượng, bị sạt lở nghiêm trọng. Lũ dữ đã ăn sâu vào ba căn nhà của các hộ dân Nguyễn Văn A, Hoàng Thị Ca và Nguyễn Văn Kỳ. Người dân ở đây cho biết, hàng chục năm nay chưa có cơn lũ nào lại uy hiếp đến khu dân cư như cơn lũ này. Chủ tịch UBND xã Hương Hồ Trần Mạnh Hùng cho biết, truớc tình hình nguy cấp, UBND xã đã cho di dời khẩn cấp 5 hộ dân với 23 khẩu bị đe dọa trực tiếp; đồng thời huy động các lực lượng tại chỗ triển khai cưa đổ các cây ven bờ để hạn chế sức công phá của dòng chảy. 27 hộ còn lại nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đã được di dời trong ngày 8-11.
Trong chiều 7 và sáng 8-11, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đi kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo công tác đối phó lũ tại một số vùng xung yếu trong tỉnh. Có mặt tại điểm sạt lở nghiêm trọng ven sông Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Bình đã đánh giá cao những phản ứng kịp thời của chính quyền và sự chủ động của nhân dân. Ðồng chí yêu cầu địa phuơng tiếp tục triển khai ngay các phương án đối phó lũ dữ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân. Các lực lượng tại chỗ cần triển khai công tác ứng cứu. Ban chỉ huy PCLB huyện và xã tiếp tục theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để có biện pháp kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu những thiệt hại do sạt lở gây ra. Về lâu dài, cần có những tính toán, đề xuất phương án làm kè tại địa điểm xung yếu này.
Ðến 17 giờ chiều 8-11, lũ trên các sông tại Thừa Thiên - Huế xuống chậm nhưng còn ở mức cao. Nước trên sông Hương tại Kim Long đạt 3,5m bằng báo động 3. Sông Bồ tại Phú Ốc đạt mức 4m, dưới báo động 3 là 0,3m. Sông Ô Lâu tại Phong Bình là 2,5m, trên báo động 3 là 0,5m. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, để ứng cứu mưa lũ khi có tình huống xấu xảy ra.
Ngày 8-11, tuy trời đã ngớt mưa, nhưng nước sông vẫn còn dâng cao; mực nước các sông đều vượt trên mức báo động 3, các huyện phía bắc của tỉnh như: Quế Sơn, Duy Xuyên, Ðiện Bàn, Ðại Lộc, Hội An bị nước ngập nặng. Tuyến quốc lộ 1A bị ngập nhiều đoạn, làm ách tắc giao thông, nhiều khu dân cư hai bên quốc lộ 1A bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông. Ðại tá Hoàng Minh Thống, Trưởng Phòng CSGT Công an Quảng Nam cho biết, vào tối 7-11, trên tuyến quốc lộ 1A từ Tam Kỳ ra Ðà Nẵng đã có gần chục điểm bị ngập lụt, tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, thanh tra giao thông chốt chặn, hướng dẫn, phân luồng tại các điểm ngập sâu để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Tại huyện Quế Sơn, đoạn qua các xã Quế Xuân I và Quế Xuân II nước lũ đã tràn qua quốc lộ 1A, hàng nghìn ngôi nhà ở khu vực vùng đông của huyện đã bị ngập chìm trong lũ. Ông Nguyễn Văn Sự ở thôn Trung Vĩnh, xã Quế Xuân I vừa kê dọn lại đồ đạc trong nhà vừa cho biết: Ðêm 7-11, trời mưa lớn, lại thêm nước từ thủy điện xả lũ đã làm cho nước dâng lên nhanh, người dân ở khu này phải thức trắng đêm để di chuyển người và tài sản đến những điểm cao hơn để tránh thiệt hại. Tại thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) nước lũ cũng gây ngập nhiều nơi. Tuyến ÐT 610 từ Trà Kiệu đi Mỹ Sơn đã bị ngập 0,5 - 0,7 m tại điểm Sũng Cá (xã Duy Trinh) và Cầu Cây Góa (xã Duy Châu) làm cho việc đi lại lên các xã vùng tây của huyện bị tắc nghẽn hoàn toàn. Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên Văn Bá Năm cho biết: Mưa lũ đã làm cho các tuyến đường liên xã, liên thôn bị nhấn chìm trong nước, nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học và có khoảng 250 nhà dân nằm dọc các triền sông Thu Bồn bị ngập sâu trong lũ.
Chiều 8-11, trời tạnh hẳn, nhưng nước sông xuống rất chậm, tuyến đường huyết mạch ÐT 608 từ thị trấn Vĩnh Ðiện đi thành phố Hội An vẫn còn ngập chìm trong nước lũ, giao thông bị ách tắc. Nhiều khu dân cư ở huyện Ðiện Bàn vẫn còn ngập sâu trong nước lũ. Thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB huyện Ðiện Bàn cho biết, mưa lũ đã làm ông Võ Văn Lai (44 tuổi) trú thôn Diệm Sơn, xã Ðiện Tiến, trong lúc dọn đồ trong nhà đã bị nước lũ cuốn trôi. Ông Lê Ðức Út (34 tuổi) trú thôn Triêm Ðông, xã Ðiện Phương trong lúc di dời đồ đạc đã bị điện giật chết... Còn tại Hội An, theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An Lê Văn Giảng cho biết, nước lũ đổ về đã gây ngập nhiều tuyến đường trong phố cổ; tuyến đường Bạch Ðằng có đoạn đã ngập sâu đến 1,5 m, hàng trăm ngôi nhà ở khu vực trũng thấp bị ngập nước. Trước tình hình lũ đe dọa, các cơ quan chức năng của thành phố đã huy động lực lượng giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn.
Hai ngày qua, tại huyện Ðại Lộc, nước lũ đã làm cho các tuyến đường liên thôn, liên xã và hàng nghìn ngôi nhà ở các xã: Ðại Hòa, Ðại Cường, Ðại An... bị ngập sâu trong nước, tuyến đường nối từ trung tâm thị trấn Ái Nghĩa về các xã có nơi ngập sâu đến cả một mét nước. Ðến trưa 8-11, vẫn còn hơn 20 nghìn ngôi nhà, trụ sở, trường học còn bị ngập trong nước lũ. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðại Lộc Phan Ðức Tính cho biết, chính quyền địa phương đã chủ động sơ tán hơn hai nghìn hộ dân vùng xung yếu đến nơi an toàn và đã chuẩn bị hơn 30 tấn gạo, nước uống để hỗ trợ người dân vùng ngập lụt.
Ðến cuối giờ chiều 8-11, tại xã Quế Trung (huyện Nông Sơn) nước rút nhanh nhưng hàng trăm nhà dân vẫn bị ngập sâu trong nước lũ. Nhiều hộ dân đã di dời trong đêm 7-11 lần lượt trở về, dọn dẹp lại nhà cửa. Hiện trên địa bàn huyện Nông Sơn mực nước xuống dần, nhưng tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện Nông Sơn xuống Quế Sơn vẫn còn chia cắt, chưa thể đi lại được. Do bị lũ lụt chia cắt nên nhiều trường trong huyện đã cho học sinh nghỉ học, riêng Trường THCS Quế Ninh đã cho học sinh nghỉ học hơn 10 ngày nay.
Theo số liệu tập hợp từ địa phương, mưa lũ đã làm cho nhiều tuyến đường tại các huyện miền núi như: Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Ðông Giang, Tây Giang... bị sạt lở, gây tắc nghẽn giao thông, làm cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Tuyến đường từ trung tâm hành chính huyện Bắc Trà My đến các xã Trà Ka, Trà Giác, Trà Giáp, Trà Bui đã bị chia cắt hoàn toàn. Hiện nay, tại huyện miền núi Nam Trà My, mưa to đã sạt lở đất làm cho sáu nhà tại thôn 2 xã Trà Mai, bị vùi lấp. Trước đó, huyện đã huy động lực lượng công an, bộ đội, dân quân địa phương di dời người dân đi tránh trú ẩn nên không bị thiệt hại về người. Mưa lũ cũng làm cô lập và chia cắt hoàn toàn tuyến đường từ trung tâm huyện Tây Giang lên bốn xã vùng cao là: Tr’Hy, Ga Ri, A Xan và Ch’Ơm. Tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn từ tỉnh Quảng Nam đi tỉnh Kon Tum cũng bị sạt lở nặng, làm cho việc đi lại khó khăn.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, đến cuối giờ chiều 8-11, mực nước trên các sông đang xuống, nhưng vẫn đang ở trên mức báo động III, tuyến quốc lộ 1A chiều 8-11 đã lưu thông trở lại bình thường. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn nhà dân bị ngập trong lũ, nhiều tuyến đường chưa thể đi lại được, nên nhiều trường vẫn cho học sinh nghỉ học. Theo số liệu tập hợp chưa đầy đủ, trong ngày 8-11, toàn tỉnh đã thêm 10 người chết, một người mất tích do nước lũ. Nước lũ đã làm hơn 73.000 nhà bị ngập nước; 31 nhà dân bị hư hỏng, sập đổ; có khoảng 656 ha lúa gieo, 2.520 ha rau màu các loại bị hư hỏng; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện trên địa bàn bị hư hỏng nặng; một số nơi vẫn còn bị mất điện... ước tổng thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng...
Theo báo nhân dân
Ý kiến góp ý: