TextBody

, 23/11/2024

Huy chương 2

Cơ chế "xin - cho": Lãng phí chất xám, nản lòng nhà khoa học

08/09/2010

Các đề tài nghiên cứu khoa học Việt Nam hiện nay vẫn y như thời bao cấp, nghĩa là vẫn còn cơ chế "xin - cho, xa rời thực tế và không màng đến hiệu quả.

Trong một lần góp ý với Bộ KH - CN về chiến lược phát triển công nghệ cao, ông Hoàng Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, thẳng thắn: “Xa rời thực tế, các đề tài nghiên cứu khoa học Việt Nam hiện nay vẫn y như thời bao cấp, không hề quan tâm đến hiệu quả. Rất nhiều các phát minh sáng chế - kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học trong nhiều năm qua, chỉ nằm trong kho lưu trữ mà không được ai khai thác”.

Phải chấm dứt “xin - cho”

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo ông Châu là: “Hầu hết nghiên cứu không xuất phát từ đặt hàng của người sử dụng. Nhiều đề tài được dựng lên chỉ là cái cớ để có kinh phí nuôi các nhà khoa học!”. Hệ quả của tình trạng này, theo GS Hoàng Tụy là “hiện tượng chạy dự án nghiên cứu để tăng thu nhập ”.

Mặc dù nhà khoa học nào cũng mong muốn được đầu tư tiền để nghiên cứu, nhưng họ cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến tình trạng lãng phí khi đề tài nghiên cứu chẳng đi về đâu. TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển, kể có đề tài nghiên cứu giáo trình cho sinh viên, thế nhưng sau 2 năm tập huấn tại các trường học, cán bộ giảng dạy đều phản ứng rất mạnh. “Lý do là vì giáo trình quá sai lầm về mặt khoa học, không có đối tượng, không có phương pháp. Vậy mà năm nào cũng đi tập huấn ở hàng trăm trường đại học để rồi giữa người giảng và người nghe phát sinh mâu thuẫn ngày càng lớn”, TS Vịnh nói.

Theo GS.TS Đinh Văn Ưu, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, để chấm dứt tình trạng định mức, phân phối, những người “ra đề” phải đặt hàng thực sự. “Nếu còn các đề tài mang tính chất định mức, “xin - cho”, các nhà khoa học nghiên cứu thật lại không có tiền để nghiên cứu”, GS Ưu nhận định.

“Tài chọn đề”

Giới khoa học thường hay nói “đề tài là tài chọn đề”. Theo TS Vịnh nếu nói về nghiên cứu ứng dụng thì đề tài phải giải quyết được những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Không thể chấp nhận có những đề tài nghiên cứu cũng được, không nghiên cứu cũng chẳng chết ai. Kiểu đề tài đó, dù có được hội đồng nghiệm thu xong cũng không ai cần đến. 

“Ví dụ, hiện nay chúng ta rất cần những công trình nghiên cứu đánh giá chính xác về nguồn lực đào tạo trong nước, hay những công trình nghiên cứu thị trường tiêu dùng… Với những công trình liên quan đến quyền lợi sống còn của các doanh nghiệp, họ chắc chắn sẽ chi tiền. Doanh nghiệp quan tâm, họ đặt hàng cần nhà khoa học trả lời và đã giải quyết được”, TS Vịnh nói.

Ngoài ra, theo GS Ưu, để một đề tài nghiên cứu thành công, cần phải chấm dứt tình trạng quản lý khoa học manh mún. GS Ưu nêu ví dụ: “Như với dữ liệu về địa hình, tài nguyên, điều kiện tự nhiên, hoàn lưu, cấu trúc nhiệt… ở biển Đông, những mảng công việc này từ trước đã nhiều nơi nghiên cứu, song mỗi nơi làm một phách. Đến khi Nhà nước cần, hỏi thông tin, cơ sở dữ liệu không có. Trước đó, có 3 đề tài về cơ sở dữ liệu về biển nhưng không thể xây dựng và lấy dữ liệu chuẩn để phục vụ cho việc lớn của đất nước”,

Có những đề tài nghiên cứu đã đạt kết quả, người ta đã chi 2 tỷ đồng. Thế nhưng khi chỉ cần chi thêm 500 triệu đồng nữa để ra sản phẩm cuối cùng, cơ quan quản lý sẵn sàng dẹp đề tài này sang một bên chỉ vì lý do hết thời hạn. Họ lại dựng đề tài mới và bắt đầu làm lại từ đầu”, GS Ưu chua xót nói.

Nguồn: baodatviet

Ý kiến góp ý: