TextBody

, 23/11/2024

Huy chương 2

Đổ ải vụ Đông Xuân 2010-2011: "Nước quý hơn máu"

25/01/2011

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Đặng Hoàng An đã khẳng định như vậy tại cuộc họp với báo chí diễn ra chiều 20/1 về tình hình triển khai kế hoạch xả nước và cấp điện phục vụ sản xuất Nông nghiệp vụ Đông Xuân 2010-2011

Theo Phó Tổng Giám đốc Đặng Hoàng An, diễn biến phức tạp của thời tiết đang gây bất lợi tới việc cân đối giữa nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2010-2011 cho khu vực Trung du, đồng bằng Bắc Bộ và nhiệm vụ phát điện mùa khô năm 2011 của các Nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang.
Căn cứ vào nhu cầu nước phục vụ tưới tiêu và lịch sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EVN thống nhất chỉ xả khoảng 2,72 tỷ m3 nước (tương đương trên 500 triệu kWh điện) từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong hai đợt. Đợt 1 từ 5h ngày 27/1 đến 18h ngày 2/2 và đợt 2, từ 5h ngày 13/2 đến 18h ngày 22/2/2011. Với thời gian đổ ải đã được thống nhất như trên, ông An lo lắng: làm sao để bà con nông dân lấy nước một cách tập trung và hiệu quả nhất?
Do lượng nước năm nay thiếu hụt khoảng 12,9 tỷ m3 nước so với mực nước đầy hồ các hồ thủy điện lớn, đợt xả đầu tiên lại trùng con triều thấp và sát Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 nên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ năm nay là phải quyết liệt hơn hẳn các năm trước để tranh thủ tối đa lượng nước xả và hoàn thành lấy nước trong hai đợt đã định. Các đợt xả nước phải đáp ứng các yêu cầu: tận dụng tối đa các con triều cường; việc xả nước phải kết hợp lịch sản xuất, khả năng thực lấy nước của các địa phương và phù hợp với yêu cầu vận hành hệ thống điện; mỗi đợt xả trước hai ngày và ngừng trước 2 ngày so với lịch lấy nước.
Để đạt mức nước tại Hà Nội khoảng 2,2m, dự kiến lưu lượng xả tại 3 hồ là 2.100m3/s; trong đó, hồ Thác Bà lưu lượng xả 260m3/s (tổng lưu lượng nước xả 336 triệu m3), hồ Tuyên Quang xả 650m3/s (842 triệu m3) và Hòa Bình xả 1.190m3/s (1,542 tỷ m3).
Tại thời điểm bắt đầu xả nước đợt 1, dự kiến mực nước hồ Hòa Bình là 94m, hồ Tuyên Quang là 110,3m và hồ Thác Bà là 51,28m. Sau hai đợt xả nước để phục vụ tưới tiêu, mức nước hồ Hòa Bình sẽ giảm 6,8m, hồ Thác Bà giảm 1,77m và hồ Tuyên Quang giảm 14,19m. Tức là mức nước các hồ đã rất gần mực nước chết, do vậy không còn có khả năng xả thêm nước từ các hồ thủy điện.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Đặng Duy Hiển, Vụ phó Vụ Công trình thủy lợi cho rằng năm nay là năm đặc biệt, không có mưa nên các hồ thủy điện không tích đủ nước. Các hồ thủy lợi cũng mới tích được 76% dung tích thiết kế. Với nguồn nước bị thiếu hụt nghiêm trọng này, vụ Đông Xuân 2010-2011 ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và EVN quyết định chỉ xả hai đợt; đồng thời quán triệt tới tận người dân để chia sẻ khó khăn về cung cấp nước và thực hiện tốt việc tập trung lấy nước cho đổ ải.
"Diện tích vụ Đông Xuân của 12 tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ chiếm trên 1/5 diện tích vụ Đông Xuân cả nước và chiếm từ 60-70% sản lượng lương thực cả năm của toàn vùng, bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Do vậy tính toán các đợt xả lấy nước làm đất gieo cấy vụ này đều phải dựa theo các nguyên tắc: thủy triều, phù hợp với nông lịch (cấy vụ xuân sớm từ 15-30/1 và vụ xuân muộn cấy từ 8-25/2); dựa vào tập quán của từng nơi; xu thế diễn biến thời tiết, gieo mạ trước thời điểm gieo cấy để đảm bảo tuổi mạ", ông Hiển nói.
Ông Hiển cho biết, tổng diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc bộ khoảng 630.000ha; trong đó có 450.000ha lúa phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước xả từ các hồ thủy điện. Với diện tích trồng lúa này, lượng nước đưa lên ruộng phải từ 1,5-1,7 tỷ m3 nước và lấy qua hệ thống kênh dẫn rất dài. Do vậy, dung tích hệ thống sông phải lên tới 2,5-2,7 tỷ m3. Đến thời điểm này, các địa phương đã nạo vét xong tất cả các tuyến kênh. Các trạm bơm đã hoàn thành đấu nối điện. Các địa phương cũng sẵn sàng huy động 3.800 máy bơm dã chiến; trong đó đã lắp đặt 1.500 máy. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang cân đối nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn trong công tác chống hạn vụ Đông Xuân này. 
Ngày 19/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học, Tổ trưởng Điều hành công tác phòng, chống hạn của Chính phủ đã có Công điện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trong khu vực và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi: Bắc Đuống, Sông Nhuệ, Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải, yêu cầu đảm bảo đủ các phương tiện chuẩn bị lấy nước và tăng cường lực lượng ứng trực tại các cống, trạm bơm để vận hành công trình, sử dụng tổng hợp các phương tiện tổ chức lấy nước trữ vào ruộng, hệ thống kênh trục, ao, đầm và các vùng trũng thấp. Bên cạnh đó, đảm bảo khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt là kênh dẫn nước vào cửa cống, bể hút trạm bơm. Mặt khác, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa và quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để rò rỉ hoặc mất nước.
Hiện nay, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xây dựng phương án khai thác các nhà máy thủy điện đảm bảo phù hợp với thời gian và nhu cầu xả nước; đồng thời chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương đảm bảo cung ứng đủ điện 24/24h cho các trạm bơm (kể cả các trạm bơm dã chiến). EVN cũng trực tiếp kiểm tra tình hình cấp điện cho các trạm bơm điện tại một số trạm bơm đầu mối ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và làm việc với đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi để thống nhất phương thức phối hợp. Xác định còn nước trong hệ thống sông là còn bơm, bơm đến giao thừa, các đơn vị điện lực cũng như các trạm bơm đã sẵn sàng trực 24/24h, nhằm đảm bảo mục tiêu lấy nước hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Lúc này đây, nước đã được ví "quý hơn máu". Vấn đề còn lại là các địa phương cần tập trung tuyên truyền rộng rãi tới tận các xã, thôn về những khó khăn trong việc cung cấp nước tưới vụ Đông Xuân này để nông dân biết và tranh thủ lấy nước trong 2 đợt xả nước tập trung sắp tới.  
Theo monre.gov.vn

 

Ý kiến góp ý: