TextBody

, 27/11/2024

Huy chương 2

Giải pháp cho công trình cấp nước sinh hoạt miền núi bằng đập ngầm - Bền vững với thời gian, thích ứng với thiên nhiên

24/07/2012

Phong Thổ và Sìn Hồ tỉnh Lai Châu, những địa danh khi nhắc tới thường gợi người ta nhớ ngay đến những vùng đất xa xôi và khó khăn nhất của Tổ quốc. Bà con dân tộc nơi đây không chỉ thiếu cái ăn mà thiếu cả nước sinh hoạt. Với bà con vùng cao, nước là nguồn sống, nguôn sinh sôi nảy nở nên được sử dụng nước sạch là niềm mơ ước của đồng bào. Đập ngầm trên sông suối miền núi của Viện Thủy Công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là một giải pháp nghe thật lạ nhưng đã thật gần gũi với chính quyền và đồng bào vùng cao Lai Châu vì ước mơ sử dụng nước sạch đã được thỏa mãn.

Theo điều tra ở các điểm di dân tái định cư trên địa bàn hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, hiện đã xây dựng 23 đầu mối cấp nước. Tuy nhiên 26,1% công trình đầu mối bị cát sỏi bồi lấp, cửa lấy nước bị thu hẹp làm giảm lượng nước dẫn về bể. 65,2% hệ thống kênh, đường ống cấp nước từ đầu mối về bản bị hư hỏng nặng: kênh bị thủng, đường ống bị lấp tắc hoặc bị chặt phá. Đầu mối lấy nước cách xa hộ dùng nước nên đường ống dài đi qua nhiều địa hình phức tạp, chia cắt khiến cho việc quản lý, bảo vệ hết sức khó khăn. Chất lượng nước nhiều điểm không đạt yêu cầu, đa số có hàm lượng Coliform, chỉ tiêu về màu sắc và độ đục vượt giới hạn cho phép… Một nghịch lý đáng buồn ở đây là, mặt nước hồ thủy điện Sơn La dâng lên ngập ruộng dưới chân núi, nhưng bà con ở trên cao vẫn khát nước. Chính vì vậy, nước sạch sinh hoạt cho bà con vùng cao vẫn luôn là điều trăn trở của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Lai Châu.

Các nhà khoa học Viện Thủy công vốn có duyên nợ với bà con vùng cao, hàng chục năm nay luôn trăn trở làm sao để có được giải pháp cấp nước cho bà con với tiêu chí "thích ứng với thiên nhiên, bền vững với thời gian" đã sáng tạo ra giải pháp cấp nước bằng đập ngầm. Đây là kết quả của đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu giải pháp cấp nước hữu hiệu cho các điểm di dân tái định cư Thủy điện Sơn La thuộc hai huyện Sìn Hồ và Phong Thổ, tỉnh Lai Châu” do phòng Địa kỹ thuật - Viện Thủy công thực hiện, đã ứng dụng thành công tại 2 điểm thử nghiệm ở Nậm Cha (huyện Sìn Hồ) và Chăn Nưa (huyện Phong Thổ). Nước được thu bằng Băng thu nước được đặt trong lớp cát thô ngầm dưới đất, có tuổi thọ trên 50 năm. Từ lòng suối trơ cạn đáy nhưng hệ thống thu nước bằng băng BTC1 có thể tạo ra dòng nước căng đầy. Lưu lượng của công trình thời điểm mùa kiệt đạt ổn định trên 45 lít/phút. Nước trong đất thu vào băng theo nguyên lý mao dẫn, cát và bụi không thể chui lọt. Dòng nước trong veo, đạt Quy chuẩn Việt Nam, QCVN 02:2009/BYT. Bất chấp mùa khô hay mưa lũ, nước đều có thể sử dụng được ngay. Nói như ông Nguyễn Ngọc Miến, Giám đốc Trung tâm nước sạch &VSMT của tỉnh Lai Châu: Nước lấy từ Đập ngầm có thể đóng chai, chúng tôi đặt tại UBND xã để uống trực tiếp. Chính quyền các xã này cũng đang xin đầu tư thêm nhiều công trình Đập ngầm như vậy.

Không chỉ có vậy, giải pháp này còn có triển vọng áp dụng cho vùng trung du miền núi trên cả nước, hồi sinh hàng loạt công trình đập dâng đã bị bồi lấp, hư hỏng.

Tại Hội thảo: “Giải pháp cấp nước sinh hoạt bằng đập ngầm trên sông suối vùng trung du và miền Núi” diễn ra ngày 20 tháng 7 năm 2012 do Tổng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Trung tâm Nước sạch và VSMTNT 8 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang … đều chia sẻ cảm xúc vui mừng và vô cùng phấn khởi vì đã có được giải pháp cho những trăn trở của các địa phương về nước sạch từ trước tới nay. Đại diện Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Yên Bái, ông Nguyễn Văn Tích phát biểu: Đề tài đã hé mở dấu mốc lịch sử về phương thức cấp nước mới. Với quy mô cấp nước sinh hoạt cho khoảng 100 hộ gia đình, phù hợp với điều kiện sinh sống của đồng bào, giảm chi phí đầu mối tới 40% so với các công trình khác, chất lượng nước tốt, đặc biệt do công trình nằm sâu dưới mặt đất nên không bị phá hoại hoặc lấp tắc bởi dòng lũ. Đây là niềm hạnh phúc đối với bà con miền núi, không có lý do gì Yên Bái lại không sớm áp dụng. Đại diện các tỉnh khác cũng khẳng định sẽ áp dụng công nghệ này.

Tỉnh Thanh

Ý kiến góp ý: