TextBody

, 27/12/2024

Huy chương 2

Hội thảo giữa kỳ Dự án Quỹ Việt Bỉ "Xây dựng, đào tạo, chuyển giao công cụ thiết lập bản đồ ngập lũ khu vực ven biển miền Trung bằng ArcGIS và Mô hình thủy văn"

25/12/2018

Ngày 21/12/2018, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Đơn vị chủ dự án phối hợp với Đơn vị tư vấn đã tổ chức Hội thảo giữa kỳ Dự án Quỹ nghiên cứu và tư vấn Việt Bỉ “Xây dựng, đào tạo, chuyển giao công cụ thiết lập bản đồ ngập lũ khu vực ven biển miền Trung”

Dự án được tài trợ kinh phí của Đại sứ quán Vương Quốc Bỉ thông qua Quỹ nghiên cứu và tư vấn Việt Bỉ. Dự án nhằm nghiên cứu phát triển một giải pháp mới, có thể nâng cao hiệu quả phòng chống lũ lụt trên diện rộng trong điều kiện hiện nay cho khu vực ven biển miền Trung, trước tiên là áp dụng thí điểm cho khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Dự án đã được phê duyệt từ 30/5/2018, kết thúc 31/3/2019, đến thời điểm hiện tại Dự án đã triển khai thực hiện được một nửa, để lấy cơ sở báo cáo cho nhà tài trợ, cơ quan chủ quản về tiến độ dự án cũng như báo cáo sơ bộ kết quả được thực hiện tại địa phương, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Đơn vị chủ dự án phối hợp với Đơn vị tư vấn tổ chức Hội thảo giữa kỳ nhằm xin ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học về quá trình thực hiện và kết quả đạt được ban đầu của dự án.

Tham dự Hội thảo có Ông Cao Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối Ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu Tư - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn Việt Bỉ; đại diện Tổng cục Phòng chống Thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Chi Cục thủy lợi Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An; đại diện trường Đại học Thủy lơi. Về phía Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Giám đốc Ban Quản lý Dự án; đại diện Ban Quản lý Dự án của Viện.Ngoài ra còn có 02 đơn vị tư vấn giúp cho Viện thực hiện Dự án.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Cao Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối Ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu Tư - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn Việt Bỉ khẳng định Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét lựa chọn theo những yêu cầu cấp bách hiện nay liên quan đến biến đổi khí hậu nhằm giảm bớt thiệt hai trong tương lai do các thảm họa thiên tai gây ra. Ông hy vọng sau khi Dự án hoàn thành, các kết quả của Dự án không chỉ nằm trên giấy mà còn thực hiện ở ngoài thực tiễn, giúp cho các địa phương có được bộ công cụ để có thông tin cần thiết về đỉnh lũ, vùng ngập lụt, nguy cơ lũ... nhằm ứng phó một cách kịp thời lũ ống, lũ quét đặc biệt cho vùng ven biển miền Trung.

Ngoài ra, Ông cũng hy vọng, nếu áp dụng được kết quả tốt có thể áp dụng cho vùng miền núi phía Bắc - nơi thường xuyên xảy ra nhiều trận lũ, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu qua đó có thểm giảm được thiệt hại về người và tài sản. Ông mong muốn, các nhà chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến tích cực vào dự án. Ông cho rằng nếu sản phẩm này đạt kết quả tốt, phía Bỉ sẽ tiếp tục có thể hỗ trợ trong tương lai để mở rộng phạm vi dự án này.

GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Giám đốc Ban Quản lý dự án cho hay Việt Nam là một đất nước chịu rất nhiều tác động bão lũ thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi toàn cầu đã làm tác động này trầm trọng hơn. Thực tế, các cơ quan quản lý, nhà khoa học đã nghiên cứu được giải pháp công nghệ mới trong tính toán dự báo, áp dụng vào thực tiễn để nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai, bão lũ.

GS.TS. Trần Đình Hòa cho rằng từ trước đến nay, Việt Nam cũng đã có rất nhiều bộ công cụ để tính toán nghiên cứu, thủy văn thủy lực nói chung và xây dựng các bản đồ ngập lụt nói riêng; trong phạm vi tính toán mô phỏng lũ lụt các công cụ đang áp dụng ở Việt Nam đã giải quyết được nhiều vấn đề để phục vụ thực tế sản xuất, phục vụ công tác điều hành phòng chống thiên tai. Tuy vậy, các phần mềm đang áp dụng ở Việt Nam đang còn hạn chế nhất định như chưa tích hợp được trên nền hệ thống thông tin địa lý GIS; chưa quan tâm đến bài toán lũ trên phạm vi rộng; chưa đề cập giải quyết được trong những bài toán ngập lụt liên vùng, liên lưu vực; những vấn đề liên quan đến cảnh báo trực tuyến và xuất cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai cũng còn hạn chế nhất định.

Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt cho khu vực miền Trung và các vùng khác trên toàn quốc, Viện mong muốn có được một bộ công cụ mới song song với các bộ công cụ đã có để hỗ trợ cho Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các địa phương nhằm ứng phó với lũ lụt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay một cách kịp thời và hiệu quả. Do vậy, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đề xuất và được Quỹ SCF hỗ trợ với mục tiêu xây dựng, đào tạo chuyển giao bộ công cụ cảnh báo lũ lụt và nguy cơ lũ trực tuyến trên nền hệ thống thông tin địa lý GIS để cung cấp kịp thời thông tin đỉnh lũ, vùng ngập lụt và nguy cơ lũ tại bất kỳ vị trí, địa phương nào với thời gian dự kiến từ 1h đến 24h; áp dụng thí điểm cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Giám đốc Dự án mong muốn Bộ Kế hoạch Đầu tư cho mơ rộng thêm thí điểm cho các tỉnh khác, trước mắt áp dụng cho tỉnh Nghệ An.

Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Giám đốc Ban Quản lý Dự án gửi lời cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng cục Phòng chống thiên tai; Chi cục Thủy lợi Quảng Nam và Đã nẵng đã phối hợp chặt chẽ với Đơn vị tư vấn triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Tiếp theo đó, đại diện hai đơn vị tư vấn đã báo cáo tiến độ cũng như các kết quả thực hiện đầu tiên của Dự án triển khai ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Đồng thời, các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến có giá trị giúp cho Dự án triển khai đúng tiến độ, đạt chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng - Trường Đại học Thủy lợi cho rằng đối với các mô hình phức tạp mang tính chất vận hành cần các chuyên gia và thực hiện ở cấp trung ương đã có nhưng đối với các địa phương để chủ động trong việc xây dựng bản đồ ngập, phục vụ nhanh cho công tác ứng phó thì cần phải có công cụ không quá phức tạp, thể hiện ngay được kết quả của vùng ngập để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Do vậy, theo Ông Dự án này đã có cách tiếp cận phù hợp.

Công cụ này giúp cho các địa phương đánh giá thiệt hại và cảnh báo nguy cơ, do vậy cần chỉ ra được diện ngập từng xã cụ thể vì sau ứng phó còn có đánh giá thiệt hại. Đối với thuật giải cần kiểm định với nhiều trận lũ, hình thái gây mưa khác nhau điển hình của vùng đó. Bên cạnh đó, đối với bộ công cụ chạy cho một lưu vực lớn, thời gian ra bản đồ ngập lụt từ khi có số liệu mưa mất bao nhiêu thời gian? Yêu cầu máy tính ra sao?, các dữ liệu đầu vào với trường hợp kết nối với các trạm, PGS.TS. Trần Thanh Tùng cho rằng đây là những vấn đề cần thiết và quan trọng để để địa phương có sự chuẩn bị khi được chuyển giao.

Ngoài ra, quá trình lan truyền ngập và duy trì độ sâu ngập theo PGS.TS. Trần Thanh Tùng cũng là thông tin quan trọng, giúp cho địa phương có công tác ứng phó và có sự chuẩn bị cần thiết như sơ tán, di dời người dân, chuẩn bị đồ ăn, nước uống…

PGS.TS. Trần Thanh Tùng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu ban đầu, đã tiếp cận phù hợp với các địa phương và mong muốn sản phẩm sẽ tiếp tục hoàn thiện, chuyển giao cho địa phương góp phần trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt thiên tai lũ ở các tỉnh miền Trung vùng đồng bằng ven biển.

Đại diện Chi Cục Thủy lợi Quảng Nam cho rằng để kết quả nghiên cứu của dự án sử dụng lâu dài thì bộ module phần mềm DEM cần linh hoạt và có thể hiệu chỉnh được theo thời gian. Dự án cần đề xuất các công cụ để giúp cho địa phương triển khai các biện pháp cảnh báo, ứng phó trước khi có thiên tai như cấu hình máy, thời gian chạy… Đại diện Chi cục cũng đề nghị Đơn vị tư vấn chỉ ra cho Quảng Nam cần xây dựng bao nhiêu trạm đo mưa, mật độ trạm đo mưa, trạm khí tượng thủy văn và xây dựng ở đâu; cần hiệu chỉnh bộ thông số chuẩn, cập nhật các trận lũ lớn 1999, 2007, 2013, 2016, 2018...

Ý kiến góp ý: