Hội thảo Khoa học: "Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và an toàn sinh học tỉnh Thanh Hóa
17/09/2013Ngày 22/8/2013, tại Sở Tài Nguyên và Môi trường đã diễn ra Hội thảo khoa học góp ý kiến xây dựng hoàn thiện "Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và an toàn sinh học tỉnh Thanh Hóa" dưới sự điều hành của ThS. Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa.
Góp mặt tại hội thảo gồm các nhà khoa học gồm: GS. TS. Bùi Công Hiển, PGS. TS Nguyễn Văn Vịnh – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Tân Vương – Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, TS. Lê Thị Ánh Tuyết – Trường Đại học Hồng Đức, Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh – Viện Sinh thái nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa: Chi cục bảo vệ môi trường, Chi cục Biển và Hải đảo, Phòng Quản lý đất đai, Phòng Tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng quản lý CNTT thuộc Sở thông tin và truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư,Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa.
Sau khi TS. Ngô Xuân Nam – chủ nhiệm dự án trình bày tóm tắt kết quả thực hiện dự án và CN. Nguyễn Thế Quân trình bày về chương trình cơ sở dữ liệu cập nhật thông tin về đa dạng sinh học, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến với những chủ đề chính như tầm quan trọng của đa dạng sinh học Thanh Hóa, các loài sinh vật đặc hữu của tỉnh Thanh Hóa, các loài ngoại lai xâm hại, bản đồ phân bố các loài ngoại lại xâm hại và các loài quý hiếm; và đặc biệt tập trung đến chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu.
Các đại biểu đều đánh giá cao kết quả đạt được của dự án với kết quả đầu tiên về tổng thể các nhóm sinh vật phân bố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến chỉnh sửa, bổ sung cho kết quả dự án trong đó chú trọng đến việc xây dựng chương trình cơ sở dữ liệu.
Tổng kết hội thảo, ThS. Lưu Trọng Quang nhận xét: hội đồng đánh giá cao về kết quả dự án đạt được. Tuy nhiên, cần hoàn thiện các sản phẩm của dự án theo nội dung hợp đồng và quyết định phê duyệt dự án. Phần số liệu và cơ sở dữ liệu cần được đầu tư chỉnh sửa nhằm hoàn thiện hơn theo ý kiến đóng góp của các thành viên tham dự hội thảo. Do dự án lớn với khối lượng công việc nhiều nên đơn vị tư vấn cần kiểm tra và báo cáo chủ đầu tư tìm phương hướng giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Giao Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở thông tin và truyền thông cùng các sở ban ngành có liên quan phối hợp, giúp đỡ đơn vị tư vấn hoàn thiện dự án.
Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung bộ với tiềm năng to lớn về nguồn tài nguyên thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên của tỉnh đang bị suy giảm, nhiều loài bị đe dọa về nơi sống, thậm chí một số loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, việc bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng là hết sức cần thiết nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay các thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học của cả nước cũng như của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn phân tán ở nhiều ngành, nhiều địa phương, chưa được tập trung quản lý. Từ thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình triển khai “Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và an toàn sinh học tỉnh Thanh Hóa” từ năm 2011 đến 2013 nhằm giải quyết vấn đề này.
Lưu Tường Bách-Trung tâm Sinh thái bảo vệ hồ chứa nước
Viện Sinh Thái và Bảo vệ công trình
Ý kiến góp ý: