TextBody

, 13/01/2025

Huy chương 2

Hội thảo khoa học "Giải pháp công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất"

13/07/2018

Ngày 9/7/2018, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất".

Tham dự Hội thảo có Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai hơn 100 đại biểu đến từ các địa phương có  nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất; các đơn vị nghiên cứu khoa học có liên quan và các tổ chức quốc tế đến từ Nhật Bản, Đài Loan, WB, ADB… 

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, đại diện lãnh đạo Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế và Ban Kế hoạch Tổng hợp.

 

Chủ trì Hội thảo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết từ năm 2000-2015, Việt Nam đã xảy ra hơn 250 trận lũ quét, sạt lở đất làm ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chét và mất tích 779 người, bị thương 426 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

 

Lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trong đó nhấn mạnh đối với khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ cần xác định khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình, tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo, điều chỉnh sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, đảm bảo sinh kế bền vững phù hợp với tập quán của từng khu vực. Đồng thời cần ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai.

 

Khu vực miền núi phía Bắc còn hàng ngàn điểm có nguy cơ xảy ra trượt lở đất, lũ quét, gây rủi ro về người và tài sản nhất là khi mưa lũ sắp vào mùa cao điểm. Do vậy, Ông Trần Quang Hoài khẳng định việc xác định được và triển khai ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong cảnh báo, dự báo, xây dựng công trình giảm nhẹ rủi ro, bảo vệ khu vực có ý nghĩa quan trọng là nhiệm vụ hết sức cấp bách.

 

Theo Đại diện của Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển cho biết về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại Việt Nam, trong 15 năm trở lại đây, từ năm 2000-2015 đã có hơn 50 dự án, đề tài điều tra khảo sát nghiên cứu về lũ quét và sạt lở đất có thể kể đến như điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam - Giai đoạn 1: Miền núi Bắc Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Điều tra, khảo sát và phân vùng nguy cơ lũ quét khu vực Miền Trung và Tây nguyên (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Tăng cường khả năng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Việt Nam áp dụng thí điểm cho một số khu vực của tỉnh Lào Cai, Yên Bái (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Ưu điểm của các Dự án, Đề tài này đó là tạo nguồn cơ sở dữ liệu để làm tài liệu cơ bản của các Dự án nghiên cứu về lũ quét; sử dụng các phương pháp thích hợp để phân tích và lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét; đề xuất và thực hiên một số hệ thống cảnh báo lũ quét với hình thức thử nghiệm cho một số vùng, lưu vực sông; lập được bản đồ hiện trạng trượt lở khu vực miền núi phía Bắc (14 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ)…

 

Nhằm nâng cao công tác phòng chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, trong thời gian tới, Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai đã đưa ra một số kiến nghị như triển khai áp dụng khẩn cấp phối hợp giải pháp công trình, phi công trình trong phòng chống giảm nhẹ rủi ro lũ quét, sạt lở đất; nghiên cứu và triển khai áp dụng công nghệ cảnh báo và phòng chống sạt lở đất vào thực hiện ngay từ 2018; tăng cường đầu tư nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất; xây dựng hệ thống bản đồ cảnh báo có độ chính xác cao… Đồng thời cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể đối với cấp trung ương, cơ quan nghiên cứu và các địa phương.

Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã giới thiệu hệ thống cảnh báo sớm giảm nhẹ rủi ro lũ quét. Đây là dự án hợp tác giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Quản lý thiên tai Quốc gia (NDMI) - Hàn Quốc, kế thừa và phát triển từ các nghiên cứu đã ứng dụng thành công tại Hàn Quốc,dự án đã được triển khai tại Philippines. Dự án tổng hợp đa ngành về các lĩnh vực địa chất, địa mạo, radar, khí tượng, thuỷ văn trên cơ sở áp dụng các thành tựu công nghệ mới.

Dự án nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số lưu vực sông, suối nhỏ có khu dân cư dễ bị tổn thương do lũ, lũ quét gây ra tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, Việt Nam; Đào tạo, tập huấn sử dụng hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số khu vực trong vùng dự án và cán bộ quản lý các cấp.

Hệ thống cảnh báo sớm giảm nhẹ rủi ro lũ quét có tác dụng dự báo lũ quét và cảnh báo, giúp người dân kịp thời di cư trước khi lũ quét xảy ra dựa theo mức độ nguy hiểm, lượng mưa thực tế và dữ liệu về mức nước quan sát được từ các máy đo nhằm giảm nguy cơ lũ quét và giảm thiệt hại; cung cấp bản đồ lũ, bản đồ nguy hiểm và thông tin về dòng sông để đối phó với nguy cơ lũ quét.

Nói về kế quả của Dự án hợp tác, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết đã xây dựng, lắp đặt hệ thống cho 03 trạm đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo được lắp đặt thử nghiệm tại Lào Cai. Hiện nay đang trong quá trình vận hành thử; trong năm 2018 sẽ lắp đặt tiếp 03 trạm đo mưa và hệ thống cảnh báo tại Yên Bái.

"Với công nghệ này, nó đòi hỏi đội ngũ cán bộ địa phương sau khi được bàn giao phải học tập để có thể vận hành tốt, thứ hai là phải nâng cao nhận thức của người dân để tiếp thu xử lý và tuân theo các chỉ đạo và khi có thông tin cảnh báo lũ quét", Phó Giám đốc Viện phát biểu về việc sử dụng giải pháp công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của Hàn Quốc. 

Ông TaK Ishikawa - Trưởng Đại diện văn phòng Đông Nam Á của Công ty  Nippon Steel và Sumikin Metal đã chia sẻ công nghệ đập sabo hở bằng khung thép linh hoạt trong việc phòng chống các thảm họa liên quan đến trầm tích. Công nghệ này giúp phòng, chống lũ bùn đá; phòng, chống sạt lở đất; phòng chống và kiểm soát đá rơi; giữ lại đất đá lớn, gỗ trôi dạt khi lũ bùn đá xảy ra và để cát, đất và dòng chảy vận động xuống dưới trong điều kiện bình thường; đảm bảo độ dốc lòng suối; bảo vệ dòng suối và hệ sinh thái; không cản trở động vật hay cá di chuyển qua, đảm bảo sự liên  tục của dòng suối, dễ dàng thu dọn đá bị giữ lại.

Tiếp theo đó, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã tiến hành trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến có giá trị về những giải pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại Việt Nam. 

Ý kiến góp ý: