TextBody

, 26/12/2024

Huy chương 2

Hội thảo khoa học lần thứ nhất "Nguyên nhân làm suy giảm rừng ngập mặn và các giải pháp công nghệ trồng cây ngập mặn tại vùng bãi xói lở ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long"

31/10/2013

Ngày 23/10/2013, Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo lần thứ nhất trong khuôn khổ của Đề tài độc lập cấp Nhà nước: "Nghiên cứu nguyên nhân làm suy giảm rừng ngập mặn và các giải pháp công nghệ trồng cây ngập mặn tại vùng bãi xói lở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long".

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá một số kết quả đã thực hiện trong thời gian qua của đề tài, xin ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý và địa phương để hoàn chỉnh báo cáo, chuyên đề, chuẩn bị cho triển khai mô hình thí điểm trồng cây ngập mặn chắn sóng kết hợp với các giải pháp công trình bảo vệ đê biển ở các khu cực chống xói lở tại Biển Đông và Biển Tây của tỉnh Cà Mau.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam, Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam, các đối tác thực hiện ở các tỉnh Cà Mau, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở 6 tỉnh (Kiên Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng) và các chuyên gia về rừng ngập mặn. PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam và ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, đơn vị phối hợp thực hiện và các chuyên gia về rừng ngập mặn đã trình bày 6 báo cáo: Một số điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ngập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Phân tích nguyên nhân suy giảm rừng ngập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Diễn thế đa dạng sinh học và diễn thế rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long và bán đảo Cà Mau; Đánh giá tác động của tuyến kè tạo bãi ven biển Tây tỉnh Cà Mau; Hàng rào giảm sóng, nâng bãi để trồng cây ngập mặn; Các giải pháp khôi phục rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã sôi nổi đóng góp ý kiến và cơ bản thống nhất với báo cáo của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long tương đối đầy đủ, đưa ra được nguyên ngân chính làm suy giảm rừng ngập mặn qua các thời kỳ (1973, 1989, 2001, 2012) chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó từ năm 2001 đến nay hiện tượng xói lở đang gia tăng và làm mất rừng ngập mặn đáng kể. Tại hội nghị, toàn thể đại biểu đề nghị bổ sung nguyên nhân mất rừng còn do cơ chế chính sách bảo vệ rừng ngập mặn. Hiện nay có rất nhiều giải pháp công trình chống xói lở và nâng bãi, điển hình là tuyến kè bê tông ly tâm tạo bãi của TS Nguyễn Hữu Nhân. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cao. Trong báo cáo: “Hàng rào giảm sóng, nâng bãi để trồng cây ngập mặn” được toàn thể hội nghị thống nhất, đánh giá rất cao về các giải pháp này và đề nghị có sự kết hợp giữa giải pháp kè bê tông ly tâm tạo bãi với hàng rào giảm sóng, nâng bãi để trồng cây ngập mặn. Cũng trong hội thảo PGS. TS Trịnh Văn Hạnh đã đưa ra các giải pháp tổng hợp để khôi phục rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đó là: Khôi phục bảo vệ đai cây tái sinh; cải tạo thể nền; lựa chọn giống cây đem trồng; tiêu chuẩn cây đem trồng; hàng rào giảm sóng nâng bãi, lắng đọng phù sa; bảo vệ cây đem trồng, ..... Toàn thể hội nghị thống nhất cao với các giải pháp này và đề nghị chú ý đến các giải pháp về chính sách xã hội phù hợp với dân sinh kinh tế để khôi phục rừng ngập mặn ven biển.

Phạm Minh Cương và CS - vienbaovecongtrinh.vn

Ý kiến góp ý: