TextBody

, 07/12/2024

Huy chương 2

Hội thảo khoa học về "Nhà an toàn cho vùng bão, lũ"

14/12/2020

Chiều 11/12/2020 Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức Hội thảo khoa học về (i) “Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ”; (ii) “Giải pháp đảm bảo an toàn trong lũ quét, sạt lở đất”; (iii) “Phòng chống sạt lở ven biển”. Chủ trì Hội thảo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài.

Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành và cơ quan liên quan; tổ chức quốc tế; nhà khoa học trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện.

Đợt thiên tai mưa lũ, bão lịch sư diễn ra vào tháng 9, 10 khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, song hành cùng việc tổ chức tìm kiếm người mất tích và cứu trợ thì việc khôi phục, phục hồi sau thiên tai đang được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các Bộ ngành, nhất là chính quyền các địa phương và nhân dân khẩn trương thực hiện.Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hội nghị khẩn cấp phục hồi sản xuất nông nghiệp cũng như cử nhiều đoàn công tác của các lãnh đạo Bộ, các Tổng cục, các Viện, trường cùng nhiều chuyên gia để về hướng dẫn trực tiếp cho các địa phương phục hồi, tái thiết sau thiên tai. Bộ cũng đã tiến hành hướng dẫn việc khôi phục lại nhà cửa để đảm bảo an toàn tronng bão, lũ, ngập lụt cũng như đưa ra các giải pháp phòng tránh đảm bảo an toàn trong lũ quét, sạt lở đất và khôi phục, phòng chống sạt lở bờ biển bị tàn phá trong đợt mưa, bão vừa qua.

Tiếp nối các hoạt động đó, ngày 11/12/2020, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học về (i) “Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ”; (ii) “Giải pháp đảm bảo an toàn trong lũ quét, sạt lở đất”; (iii) “Phòng chống sạt lở ven biển”, do Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Trường Đại học tự nhiên, Viện Khoa học ĐCKS; Quỹ nhà, Quỹ Cộng đồng PCTT; một số tổ chức quốc tế; các cơ quan truyền thông và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Trao đổi tại Hội thảo, Ông Trần Quang Hoài - đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, ở miền Trung còn 223.008 nhà không an toàn trước bão; 152.820 nhà không an toàn trước lũ. Giải pháp quan trọng nhất là người dân tích cực xây dựng nhà cửa, chủ động gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước thiên tai và khôi phục nhà cửa sau thiên tai.

Từ chương trình chính sách theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, người dân 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ - 16 triệu đồng/hộ; vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm. Nhà ở phải đảm bảo sàn cao hơn mức ngập lụt cao nhất, diện tích tối thiểu 10m2; kết cấu kiên cố, mái bằng bê tông cốt thép hoặc hoặc, vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão. Đến tháng 10/2020, đã hỗ trợ 19.350/21.600 hộ.

Bên cạnh đó, nhà ở an toàn từ dự án quốc tế (Dự án GCF cho nâng cao năng lực hứng chịu của người dân ven biển miền Trung) hỗ trợ 1.700USD, đối ứng theo mức hỗ trợ của QĐ48 và kinh phí người dân. Mỗi địa phương thiết kế, ban hành 6 mẫu nhà ở an toàn để người dân lựa chọn. Kết quả đã hỗ trợ hơn 3.440 nhà cho các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.Ngoài ra, còn có 795 nhà ở an toàn từ các tổ chức xã hội (Sống Foundation). Đại diện Quỹ Sống Foundation giới thiệu các mẫu nhà với từng cấp bão, ngập lũ với định mức xây dựng phù hợp với khả năng của nhiều người dân…

Nhấn mạnh trong đợt bão lũ vừa qua, nhu cầu sửa chữa cấp bách lớn, trong khi các tài liệu chuyển tới dân nhiều nhưng chưa mang tính hệ thống. Trước thực trạng đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Tổng cục đang xây dựng tài liệu hướng dẫn đồng bào miền Trung sửa chữa nhà đảm bảo an toàn trong bão, lũ, ngập lụt. Đồng thời, biên soạn tài liệu liên quan đến đảm bảo an toàn nhà ở khu vực miền núi, nơi thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

“Chúng tôi mong muốn nhanh chóng hoàn thiện tài liệu để ứng dụng trong công tác sửa chữa nhà cửa an toàn trong bão, lũ, ngập lụt, phục vụ phòng chống thiên tai sau này”, ông Trần Quang Hoài chia sẻ.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, tái thiết nhà cửa sau thiên tai là hết sức cần thiết. Vấn đề chính cần đặt ra là với nhà chống bão, lũ gồm những loại gì, loại nào thì nằm ở đâu; nếu làm chi phí hết bao nhiêu, sức chịu đựng đến đâu…

Với tinh thần “xây lại tốt hơn”, tức là nhà ở an toàn hơn, tiện lợi hơn, rẻ hơn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu tiếp tục làm rõ việc xây dựng nhà ở an toàn phòng chống bão, lũ này có đáp ứng khả năng chi trả của người dân hay không; Nhà nước cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách gì để hỗ trợ người dân cải tạo, xây dựng nhà ở đảm bảo an toàn trước bão, lũ… và về lâu dài phải xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà vùng bão, lũ. 

 

Đây là hoạt động hết sức quan trọng và cần thiết. Những tài liệu khoa học được trình bày và chia sẻ tại Hội thảo đã được đúc kết từ kết quả nghiên cứu và thực tiễn từ các chương trình khoa học công nghệ, chương trình hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế như: Quyết định số 48/2014/QĐ-TTG ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; Dự án GCF cho nâng cao năng lực hứng chịu của người dân ven biển miền Trung; chương trình Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững; chương trình phòng chống thiên tai liên quan; các đề tài nghiên cứu khoa học và đúc kết từ thực tế.

 

Theo phongchongthientai.mard.gov.vn

Ý kiến góp ý: