TextBody

, 13/12/2024

Huy chương 2

Hội thảo "Nâng cao hiệu quả vận hành và quản lý các trạm bơm" lần thứ II

29/08/2011

Tiếp theo Hội thảo được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 25/3/2011 về "Nâng cao hiệu quả vận hành và quản lý trạm bơm bằng thiết bị V&D", chiều ngày 20/7/2011 Viện Bơm & Thiết bị Thủy lợi đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà tư vấn về việc đưa giải pháp V&D vào ứng dụng thực tế cho các trạm bơm thủy lợi, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ cho công tác hiện đại hóa quản lý vận hành các trạm bơm tưới tiêu ở Việt Nam

Tham dự buổi Hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Viện Bơm & Thiết bị Thủy lợi, đại diện Công ty Danfoss và các nhà khoa học về lĩnh vực nghiên cứu bơm đến từ Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Bách Khoa...

Tại buổi Hội thảo, đại diện Công ty TNHH Cơ điện-Đo lường-Tự động hóa - là công ty chuyên ngành tự động hóa và là nhà phân phối chính thiết bị biến tần cho Công ty Danfoss – Đan Mạch) trình bày báo cáo “Nâng cao hiệu quả vận hành bơm và quản lý các trạm bơm bằng  giải pháp V&D”.

Máy bơm-Trạm bơm có vị trí rất quan trọng trong công tác tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Hiện nay hầu hết các trạm bơm ở nước ta tuy đã được xây mới và nâng cấp nhưng vẫn còn một số trạm vẫn sử dụng một số thiết bị và công nghệ lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu hoạt động, nhiều thiết bị đặc chủng khi hư hỏng rất khó tìm nguồn thay thế. Trước tình hình đó, Viện Bơm&Thiết bị Thủy lợi thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã hợp tác với Công ty Danfoss (Đan Mạch) - là môt Công ty chuyên sản xuất biến tần hàng đầu thế giới với kinh nghiệm hơn 40 năm nghiên cứu đưa ra giải pháp V&D nhằm hiện đại hóa công tác điều khiển quản lý trạm bơm đầu mối phù hợp với điều kiện khí hậu, trình độ quản lý, kinh tế của Việt Nam, hiện đại hóa công tác quản lý khai thác nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi như tưới tiết kiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ tưới, giảm chi phí trên mỗi mét khối nước sản xuất”.

Nguyên lý hoạt động của Hệ V&D sử dụng thiết bị biến tần gồm 4 module chính đó là V&D01 – Hệ thống điều khiển giám sát; V&D02 – Hệ thống khởi động; V&D03 – Tủ đầu vào cấp nguồn/phân đoạn, V&D04 – Tủ điều khiển bù tự động. Hệ thống sử dụng một bộ điều khiển lập trình PLC và phần mềm để điều khiển và giám sát hoạt động các máy bơm trong toàn thời gian.

Hệ thống V&D có thể quản lý, hiển thị các trạng thái của hệ thống, cập nhật, thu nhận tín hiệu từ các cảm biến mức nước, nhiệt độ, độ rung động, các cảm biến đo đếm, dữ liệu, lưu được sự cố lỗi, nắm được tình trạng vận hành của máy bơm, đưa ra quyết định xử lý nhanh nhất, tiết kiệm năng lượng với chế độ chạy tối ưu và đặc biệt hệ thống có thể tự động điều chỉnh trong quá trình làm việc, có khả năng chống sét cao.

Ứng dụng giải pháp V&D vào việc quản lý vận hành máy bơm-trạm bơm sẽ tiết kiệm được khoảng 15-35% điện năng tiêu thụ so với các phương án chạy máy trực tiếp thông thường, tăng độ bền máy bơm động cơ, giảm tổn thất điện năng của lưới điện, làm tăng tính linh hoạt, cải thiện đặc tính của hệ thống. Hệ có khả năng điều khiển tập trung từ trung tâm quản lý thủy nông,  dự báo và quản lý tình trạng hoạt động của từng máy trong suốt thời gian hoạt động. Ngoài ra khả năng giao tiếp với người quản lý chuẩn đoán và quản lý tiên tiến, chi phí bảo dưỡng và chi phí vòng đời thấp, thân thiện với môi trường.

Theo TS. Phạm Văn Thu - Viện Trưởng Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi: Giải pháp V&D khi sử dụng biến tần sẽ giữ cho bơm hoạt động ở hiệu suất cao nhất, giữ cho hiệu suất động cơ ở chế độ ổn định với hệ số an toàn cao nhất kể cả khi điện áp thay đổi, đặc biệt giảm tối đa tới 35% chi phí vận hành máy bơm-trạm bơm khi sử dụng Giải pháp V&D.

Hầu hết các tổ tư vấn, các nhà chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu bơm đánh giá rất cao việc áp dụng giải pháp V&D sử dụng thiết bị biến tần vào quản lý và vận hành các trạm bơm ở Việt Nam.

PGS.TS. Lê Tòng - Trường Đại học Bách Khoa:, hiện tại có thể áp dụng thí điểm vào một số trạm bơm để xem xét cụ thể tuy nhiên khi áp dụng Giải pháp V&D này cần phân tích đặc điểm của các trạm bơm tại Việt Nam về diện tích trạm bơm, địa hình trạm bơm, về nhân lực quản lý vận hành trạm bơm và cần phải có chế độ bảo dưỡng đinh kỳ.

GS.TS. Dương Thanh Lượng – Trường Đại học Thủy lợi: việc sử dụng thiết bị biến tần cho các trạm bơm là một giải pháp rất tốt nhằm hiện đại hóa công tác quản lý vận hành máy bơm. Tuy nhiên đây là giải pháp mới nên cần thời gian để kiểm chứng thực tế, chi phí đầu tư ban đầu cao các thiết bị và đòi hỏi công tác bảo dưỡng tỉ mỉ và người quản lý có trình độ. Ngoài ra một số biến tần loại cũ hiện đang sử dụng ở một số trạm bơm ở Việt Nam là chiếm không gian diện tích khá lớn, phản ứng nhạy với điều kiện môi trường, có khả năng chống sét kém.

PGS.TS. Lê Chí Nguyện - Trường Đại học Thủy lợi: Giải pháp V&D sử dụng biến tần để điều khiển quá trình hoạt động đã được ứng dụng phổ biến ở các nước phát triển. Giải pháp này có nhiều ưu điểm đặc biệt khi mức nước bể hút và xả thay đổi nhiều, biến tần sẽ tự động điều chỉnh để đưa máy bơm luôn làm việc với hiệu suất lớn nhất  tức là giảm đáng kể tiêu hao điện năng. Trong quá trình máy bơm hoạt động tình trạng của máy bơm và động cơ được giám sát thường xuyên , bảo vệ tốt nhất cho thiết bị.

Kết luận Hội nghị các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất đề nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép ứng dụng thử nghiệm Giải pháp V&D vào một số trạm bơm lớn để kiểm chứng  tính hiệu quả.

A.T

Ý kiến góp ý: