Họp nghiệm thu chính thức đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu mô hình cấp nước tập trung nông thôn vùng làng nghề có sự tham gia của cộng đồng"
21/11/2011Ngày 19/11/2011, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã họp nghiệm thu chính thức đề tài nghiên cứu cấp cơ sở "Nghiên cứu mô hình cấp nước tập trung nông thôn vùng làng nghề có sự tham gia của cộng đồng" do ThS. Vũ Văn Hài làm chủ nhiệm đề tài
Trước buổi họp nghiệm thu, ngày 17/11/2011, đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và đại diện Hội đồng nghiệm thu đã đi kiểm tra thực địa tại Trạm xử lý nước sinh hoạt xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định và được địa phương đánh giá cao mô hình quản lý hệ thống này.
Tại buổi họp nghiệm thu ThS. Vũ Văn Hài đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả đã đạt được của đề tài.
Sự tham gia của cộng đồng trong phát triển kinh tế xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng và được xã hội thừa nhận trong thời gian qua như việc kiên cố hóa kênh mương, quản lý tưới tiêu, xây dựng hệ thống đường nông thôn, quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng... Việc tham gia của cộng đồng trong quản lý hệ thống cấp nước sạch nông thôn không nằm ngoài xu hướng đó như một giải pháp chính để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và được thể hiện trong nhiều văn bản của Chính Phủ và các Bộ ngành.
Mô hình cấp nước sạch nông thôn tập trung do đề tài nghiên cứu đề xuất đã huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng, đó chính là nhân tố quan trọng cho việc phát triển bền vững của các hệ thống cấp nước tập trung nông thôn.
Trên cơ sở mô hình đề xuất, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thử nghiệm “Mô hình Ủy ban nhân xân xã quản lý có sự tham gia của cộng đồng ở hệ thống cấp nước sạch xã Nam Hồng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định”.
Đây là hệ thống cấp nước nông thôn tập trung cấp nước cho nhân dân trong toàn xã khoảng 12.000 người với trên 3000 hộ, công suất đầu mối là 1280m3/ngày.đêm, được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2005. Trước đây, khi chưa có mô hình, qua thực tế vận hành cho thấy tỷ lệ thất thoát khá lớn trên 30%, công suất trạm đầu mối chưa được khai thác theo thiết kế vì số hộ chưa được đấu nối với hệ thống còn khá lớn (873 hộ) do điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng từ sau khi nhóm nghiên cứu triển khai đưa mô hình Ủy ban nhân dân xã quản lý có sự tham gia của cộng đồng đã đạt được một số kết quả như:
- Số hộ đăng ký đấu nối với hệ thống cấp nước tăng so với trước do có tiền vay từ Ngân hàng, đến nay hầu hết các hộ dân trong xã đều được tiếp cận với nước sạch, một số hộ ở xã bên cũng đăng ký sử dụng nước từ hệ thống theo quy định chung.
- Công suất trạm đầu mối tăng do số hộ sử dụng nước tăng và nhu cầu sử dụng nước tăng đặc biệt trong những tháng mùa hè.
- Tỷ lệ tổn thất giảm đáng kể do hệ thống đường ống được quản lý tốt.
Ngoài những kết quả đã đạt được ở trên, nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra các kiến nghị đối với những công trình hệ thống cấp nước nông thôn tập trung mới đang chuẩn bị xây dựng cần xác định rõ mô hình quản lý; đối với những công trình cấp nước nông thôn chưa phát huy hiệu quả hoặc không bền vững cần tham khảo mô hình UBND xã quản lý có sự tham gia của cộng đồng hoặc chuyển đổi sang mô hình quản lý có hiệu quả cao hơn phù hợp với địa phương, coi sự tham gia của cộng đồng như một trách nhiệm của người hưởng lợi.
Các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá cao các kết quả thực hiện cũng như là ý tưởng của nhóm thực hiện đề tài, đây là một đề tài mới và rất khó, chưa có những nghiên cứu cụ thể nào trước đây, đề tài đã góp phần nâng cao nhận thức của những người làm công tác quản lý vận hành các hệ thống cấp nước tập trung và Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến của Hội đồng.
Hội đồng nhất trí đề tài nghiệm thu đạt loại khá.
Ý kiến góp ý: