Khi nước thành "tài nguyên chiến lược"
06/09/2010Thư ký Hội đồng An ninh của Nga Nikolai Patrushev nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, nguồn nước phong phú có thể sớm trở thành "tài nguyên chiến lược" khi thiếu hụt nước toàn cầu ngày một gia tăng
"Tôi có thể đưa ra vô số ví dụ khi thiếu nước có thể dẫn đến xung đột vũ trang hay chiến tranh giữa các quốc gia với nhau", ông Patrushev nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông cảnh báo, thế giới có thể sa vào một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu trước 2035.
Về riêng nước Nga, vị quan chức an ninh cho rằng, Nga với một số nguồn dự trữ nước sạch lớn nhất thế giới đã không sử dụng tài nguyên này một cách hiệu quả, có thể tạo ra nguy cơ nghiêm trọng với an ninh quốc gia. Vấn đề trở nên căng thẳng khi khô hạn gần đây xảy ra ở Nga, đã phá hủy hơn 10 triệu ha mùa vụ, buộc chính phủ phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc đến cuối năm nay.
Trong khi đó, ông Anders Berntell, thộc Viện nghiên cứu Nước Quốc tế Stockholm đã lên tiếng chỉ trích, nước và hệ thống vệ sinh đã rơi xuống cuối danh sách những ưu tiên của LHQ trong Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ - nhằm cải thiện cuộc sống của hàng tỉ người ở những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Theo ông Berntell, quản lý tốt tài nguyên nước và cung cấp nước uống, hệ thống vệ sinh là điều sống còn để thực hiện toàn bộ 15 mục tiêu phát triển. "Không có nước, chúng ta không bao giờ chống lại được đói nghèo, không có nhà vệ sinh trong trường học, các nữ sinh tiếp tục bỏ học trước khi hoàn tất chương trình giáo dục, không có hệ thống vệ sinh phù hợp, bệnh dịch sẽ tiếp tục lan rộng, và kết quả là tỉ lệ tử vong, ốm đau ở trẻ ngày một gia tăng", ông Berntell nói.
Con người đang trải qua các bệnh dịch vì thiếu nước chật kín giường bệnh trong hệ thống bệnh viện. Ông Berntell cho rằng, nước phải được xem là chìa khóa để đáp ứng mỗi mục tiêu phát triển. Ở tiểu sa mạc Sahara, châu Phi, một nửa số người mắc bệnh vì nước bẩn hay điều kiện vệ sinh tồi tàn.
Cuộc khủng hoảng nước hiện tại sẽ lớn hơn nhiều những cuộc khủng hoảng “HIV/Aids, sốt rét, sóng thần, động đất hay chiến tranh", Aaron Wolf, giám đốc chương trình Quản lý Xung đột nước tại Đại học bang Oregon, Mỹ cảnh báo.
Theo thống kê của LHQ, hơn 800 triệu người trên thế giới không có nước sạch để uống, 2,5 tỉ người không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh phù hợp. "Tiếp cận nước sạch và hệ thống vệ sinh phù hợp là điều kiện đầu tiên để đưa người dân thoát khỏi đói nghèo", phó Tổng thư ký LHQ Asha-Rose Migiro nói.
Có một điều thú vị rằng, trước khi Tuần lễ Nước Thế giới bắt đầu (5-11/9) ở Stockholm, Thụy Điển, một nghiên cứu cho thấy, rủi ro về nước gia tăng trên khắp thế giới đã tạo ra những cơ hội thương mại khổng lồ cho các hãng xây dựng cơ sở hạ tầng nước cũng như giới đầu tư.
Kết quả nghiên cứu mới nhất của Standard & Poor’s Global Water Index, cho thấy, các hãng liên quan tới nước có "chỉ số tốt" trên thị trường chứng khoán khi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng nước tiếp tục gia tăng.
"Có nhu cầu rất lớn về nước ở các thị trường công nghiệp và mới nổi", Steve Goldin, phó chủ tịch các chỉ số chiến lược tại S&P, nói. "Một tỉ người sống ở những vùng căng thẳng vì nước, trong khi rất nhiều nước phát triển nhiều thập niên nay ít đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước. Cộng thêm với thay đổi khí hậu gây ra nguy cơ khô hạn ở các nước đã khiến cho nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước sẽ tiếp tục gia tăng trong 20 năm tới".
Ông nhấn mạnh, cơ hội thương mại cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nước còn được hỗ trợ bởi thực tế các chính phủ không thể cho phép xảy ra bất ổn trong nguồn cung nước, nghĩa là các chương trình đầu tư quy mô lớn vào nước không thể thiếu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Thêm vào đó, trên thị trường mới có số ít hãng nước tham gia, đồng nghĩa là rủi ro cạnh tranh cho các nhà đầu tư thấp hơn nhiều trong các thị trường tăng trưởng.
Tuần lễ Nước Thế giới đang diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển tới ngày 11/9, Viện Nghiên cứu Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) thông báo. Chủ đề tuần lễ này năm nay là "Thách tức về Chất lượng nước - Ngăn chặn, giảm bớt và sử dụng hiệu quả".
Đây là dịp để hơn 2.000 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các nhà cải cách thương mại trên toàn cầu trao đổi, thúc đẩy sáng kiến mới và giải pháp đối phó với những thách thức liên quan tới chất lượng nước.
Nguồn: vietnamnet
Ý kiến góp ý: