TextBody

, 23/11/2024

Huy chương 2

"Không thể có 24 sông Mekong cho Việt Nam"

28/03/2011

“Nếu tiếp tục tiến hành tất cả các dự án dòng chính hạ lưu sông Mekong thì đến năm 2025, tối đa, các dự án này sẽ đáp ứng khoảng 4.4% nhu cầu năng lượng quốc gia của Việt Nam. Như vây, phải có 24 con sông Mekong mới đáp ứng đủ nhu cầu điện cho Việt Nam”. 

TS. Đào Trọng Tứ, Ủy viên Thường trực Mạng lưới Cộng tác vì Nước của Việt Nam, Ủy viên ban Cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) dẫn ra một câu chuyện vui để minh họa cho sự được và mất của Việt Nam nếu phát triển thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong, mà trước mắt là việc chấp thuận hay yêu cầu nghiên cứu thêm về dự án đập Sayabouri.

Tính kỹ,  làm đập cũng không có lợi về kinh tế

Báo cáo Đánh giá Môi trường chiến lược về thủy điện dòng chính sông Mekong do Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường (SEA) vừa thực hiện nói rõ: Khi tất cả 12 dự án trên dòng chính được triển khai, Lào sẽ thu được 70% nguồn lợi, Campuchia và Thái Lan nhận khoảng 11-12%, Việt Nam chỉ nhận được 5% nguồn lợi.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Sayabouri được đồng ý xây dựng? Liệu đó có là “giấy thông hành” cho 11 con đập còn lại trên dòng chính hạ lưu sông Mekong, đặt tương lai con sông này “nằm tại ngã tư đường”?

TS. Lê Phát Quới; Viện Môi trường và Tài Nguyên; Đại học Quốc gia TP.HCM đã có chuyến khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy thủy điên Strung Treng tại Campuchia (dự án số 11 trong số 12 dự án trên dòng chính hạ lưu sông Mekong). Ông đã phỏng vấn những người liên quan tới dự án này.

“Ông Giám đốc Sở Môi trường Strung Treng trầm tư. Cán bộ quản lý nguồn lợi thủy sản cố gắng giải thích và thuyết phục. Ông Bí thư xã nhìn xa xăm khi nói về thủy điện Stung Treng. Người dân lo lắng. Các em nhỏ nói chúng nó sợ không còn cá nữa”.

TS Lê Phát Quới nói thêm: “Cách đây một tuần, tôi gặp lại các quan chức liên quan tới dự án thủy điện này. Họ đang nhìn về trường hợp Sayabouri và chờ đợi. Nếu Sayabouri làm được, họ cũng làm được. Đó sẽ là cái chết của Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Báo cáo SEA cũng nhấn mạnh: “Những con đập này có nguy cơ sẽ tổn hại không thể phục hồi tới sinh thái sông Mekong, đồng thời đặt sinh kế và an ninh lượng thực của hàng triệu dân cư sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên của dòng sông vào tình trạng bị đe dọa: 35% các loài cá di cư xa và sự di cư của chúng sẽ bị chặn lại; giảm lượng trầm tích và dinh dưỡng trong dòng chảy từ 50-70%, 54% tổng số diện tích đất hoa màu dọc sông Mekong chắc chắn bị mất…”.

Trong khi, nếu tiếp tục tiến hành tất cả các dự án dòng chính hạ lưu sông Mekong thì đến năm 2025, tối đa, các dự án này sẽ đáp ứng khoảng 4.4% nhu cầu năng lượng quốc gia của Việt Nam.

“Tính như vậy, phải có 24 con sông Mekong mới đáp ứng đủ nhu cầu điện cho Việt Nam” – TS Đào Trọng Tứ dẫn ra một minh họa vui.

Ông cho rằng: “Việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ không mang lại lợi ích nhiều cho người dân Đồng bằng Sông Cửu Long và người dân dọc sông Mekong nói chung. Cái được không thể bù đắp được cái mất. Đây là bài toán kinh tế chứ không phải bài toán đánh đổi”.

Bài học đập Mun và cách làm của người Thái

Chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu phương án mở vĩnh viễn các cửa trên đập sông Mun, hi vọng khôi phục hệ sinh thái khu vực sông và đời sống của người dân trên một nhánh sông Mekong.  Đập sông Mun tiêu tốn 233 triệu USD, gấp đôi lượng đầu tư dự tính ban đầu, trong khi đó sản lượng điện đạt được chỉ đạt 1/3 dự tính trong mùa khô. Tỷ suất hoàn vốn chỉ ở mức 5% so với 12% như dự tính.

Trong một thông cáo mới đây của WWF, TS Suphasuk Pradubsuk, điều phối viên về chính sách của WWF Thái Lan cũng cho rằng: "Việc nghiên cứu vội vàng về những tác động đến môi trường và xã hội có thể dẫn đến tình huống bất lợi cho cả ngư dân và chủ sở hữu con đập. Trong khi, những nghiên cứu còn hạn chế hiện tại không đủ lý giải cho tương tác giữa các thành phần khác nhau của hệ sinh thái, vì vậy chúng ta không thể dự đoán chính xác được những tác động của đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong".

Chính TS. Lê Phát Quới sau chuyến công tác từ Thái Lan đã nhận xét, người dân Thái Lan đang vận động chính phủ nước này chưa nên đầu tư và mua điện từ các dự án trên dòng chính hạ lưu sông Mekong. Ông cho rằng Việt Nam cũng có thể vận động tương tự.


Cả TS. Đào Trọng Tứ và TS Lê Phát Quới đều tin rằng, chính phủ Việt Nam đang có quan điểm phù hợp với các dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.

Theo TS. Đào Trọng Tứ, tại cuộc họp tham vấn cấp quốc gia vừa tổ chức tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh ngày 22/2/2011,  Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, PCT Thường trực Ủy ban Mekong Việt Nam đã kết luận: “Chúng ta cần phát triển nhưng không  có nghĩa là phải hy sinh môi trường, phải đảm bảo không gây tổn hại cho các thế hệ tương lai. Khi các thông tin, số liệu về dự án Sayabouri, đặt Sayabouri trong bối cảnh toàn hệ thống, cần trì hoãn quá trình ra quyết định.

Theo tin từ Ủy ban sông Mekong (MRC), các nước tiểu vùng sông Mekong đã đồng ý triệu tập thêm một cuộc họp vào ngày 21/4 để đi đến kết luận về vấn đề đập Sayabouri.

Dự án Sayabouri, do chính phủ Lào chủ trương xây dựng, là đối tượng phải trải qua các thủ tục của MRC như thông báo, tiền tham vấn và đồng thuận, theo đó, cả bốn quốc gia phải cùng nhau đạt đến một kết luận cuối cùng trong vòng 6 tháng. Hạn chót của tiến trình này là 22/4/2011.

Theo bee.net.vn

Ý kiến góp ý: