TextBody

, 13/12/2024

Huy chương 2

Sông ngòi Hà Nội:"Nóng" về khai thác cát, sỏi trái phép

23/06/2011

Hoạt động khai thác cát trái phép trên các dòng sông của thành phố Hà Nội đang làm lãng phí nguồn tài nguyên, thay đổi dòng chảy, xói lở hệ thống đê điều, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông đường thủy nội địa và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự

"Rút ruột" các dòng sông
Nếu như ở đường bộ các loại xe tự chế như xích lô, xe ba bánh được xếp vào nhóm "nguy cơ gây tai nạn cao", thì dưới sông, hoạt động của các tàu, thuyền không số, không biển cũng có độ nguy hiểm tương tự. Thực tế trên nhiều tuyến sông ở Hà Nội, tàu, thuyền không số tham gia khai thác cát khá phổ biến. Nhiều "thuyền trưởng" tàu, thuyền không số, không cần đào tạo bài bản, mà chủ yếu lái bằng... kinh nghiệm ngang nhiên lưu hành trên các tuyến sông.
Theo thống kê, trên các tuyến sông Hồng, Đáy, Cà Lồ thuộc địa phận Hà Nội có tới 22 điểm khai thác cát. Trong số đó có tới 14 điểm không có phép vẫn hoạt động. Trong tổng số 214 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, có tới 179 điểm không có phép... Hoạt động khai thác cát trái phép tập trung trên dọc hai tuyến sông Hồng và sông Đuống tại địa bàn các quận, huyện Từ Liêm, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Phú Xuyên.
Hệ thống sông Hồng, Đuống và sông Đà, đoạn chảy qua Hà Nội, lên tới hơn 280km, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ở những đoạn sông này đang diễn ra hết sức phức tạp. Sông Hồng là địa điểm mà chủ các tàu khai thác cát trái phép nhắm đến hơn cả bởi lưu vực sông Hồng tập trung một lượng lớn cát đen cho lợi nhuận thu lại cao, nên thay vì tìm đến các điểm khác, chủ tàu đã nhắm đến những khu vực này. Đáng chú ý, các trường hợp tàu vi phạm phần lớn đều từ các địa phương lân cận khác như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ... Với công suất khai thác như hiện tại thì với tàu có trọng tải 600 tấn, đối tượng chỉ cần sục vòi rồng xuống nước hút khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ là đã kín cát.
Các đối tượng khai thác cát trái phép thường chọn những địa bàn giáp ranh như Sơn Tây - Ba Vì, Phúc Thọ - Đan Phượng, Đan Phượng - Mê Linh, lợi dụng đêm tối, tập trung ở những bến sông vắng người qua rồi neo đậu tàu thả "vòi rồng" xuống đáy sông hút cát.
Xử phạt - "điệp khúc bắt rồi thả"
Phòng CSGT đường thủy CATP. Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 4 tới nay, đã có 23 trường hợp khai thác cát trái phép bị CSGT đường thủy xử lý trên sông Hồng và sông Đuống. Trong đó, có tới hơn một nửa số vụ vi phạm thuộc chuyên đề xử lý vi phạm khai thác cát đen trên sông Hồng. Địa điểm các tàu thuyền thường tập trung khai thác cát đen trái phép ở quanh khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long, huyện Đông Anh, Từ Liêm và quận Tây Hồ.
Quá trình khai thác, các doanh nghiệp, cá nhân thường chấp hành không đúng các quy định nên ảnh hưởng rất lớn đến luồng tuyến giao thông. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các điểm khai thác đều không được cấp phép, tuy nhiên trong số ít những điểm được cấp phép thì việc khai thác vượt quá phạm vi cho phép và không có phương án đảm bảo TTATGT là phổ biến.
Lợi nhuận từ việc khai thác cát mang lại cho mỗi chủ thuyền rất cao nên những đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Chỉ làm một phép toán đơn giản, chi phí cho một mét khối cát khi khai thác lén lút dao động từ 70.000 - 80.000 đồng nhưng khi cập bến, bán ra có thể kiếm lời gấp 3 - 5 lần. Do vậy, cát tặc sẵn sàng giằng co, chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho vào, để phương tiện trôi tự do... gây khó khăn cho việc xử lý. Khó hơn nữa là việc thiếu bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. Bởi mỗi chiếc tàu dài gần 20m, rộng 3m; cả dàn thuyền, tàu vi phạm bị tạm giữ thì không biết sẽ cần đến bao nhiêu diện tích mới đáp ứng đủ. Thực tế này khiến nhiều địa bàn rất "ngại" xử lý tàu, thuyền hút trộm cát. Ngoài ra, mức phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lần vi phạm đối với các chủ tàu khai thác cát trái phép như hiện nay là chưa đủ sức răn đe.
Cứ sau mỗi lần ra quân truy quét của các cơ quan chức năng thì tình trạng vi phạm này lại tiếp tục tái diễn. Nhiều khu vực khai thác giáp ranh giữa các địa phương, chính quyền đôi bên đều ở trong tình trạng "cha chung không ai khóc", nên dòng sông tha hồ được "nạo, hút" tới mức cạn kiệt.
Theo monre.gov.vn

 

Ý kiến góp ý: