TextBody

, 04/10/2024

Huy chương 2

Thủy điện đã "bức tử" những dòng sông?

08/06/2010

Công tác lập quy hoạch thủy điện còn một số tồn tại, trong đó đa số hồ chứa vừa và nhỏ chỉ chú trọng nhiệm vụ phát điện, thường tạo ra các đoạn "sông chết" sau đập

Đó là báo cáo kết quả thực hiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2009) đến nay do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên vừa ký.

Báo cáo tập trung trả lời những vấn đề liên quan đến quy hoạch thủy điện, xử lý môi trường tại dự án khai thác bôxit và xử lý hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường của Vedan.

Thủy điện không chống lũ

Về tình hình khai thác sử dụng nước để phát triển thủy điện, theo Bộ TN&MT, hiện cả nước có khoảng 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỉ m3.

Các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ chỉ được phê duyệt nhiệm vụ phát điện, bảo đảm an toàn công trình, không quy định các nhiệm vụ phòng chống lũ, điều tiết, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước ở hạ du…

Các quy trình vận hành hồ chứa vừa và nhỏ chủ yếu quan tâm đến nhiệm vụ “xả lũ để bảo đảm an toàn công trình đầu mối và khai thác tài nguyên nước để tưới hoặc phát điện” mà chưa quy định cụ thể các nhiệm vụ vận hành phòng, chống lũ và điều tiết nước…

Việc vận hành hồ chứa chỉ chú ý đến bản thân hồ chứa, chưa quan tâm đến mức nước ở hạ du. Các hồ chứa vừa và nhỏ chưa có quy định cụ thể về chế độ thông báo khi xả lũ để phục vụ dự báo lũ cho hạ du.

Ngoài ra, các dự án thủy điện có sử dụng đất có rừng, làm mất rừng không thực hiện tốt việc trồng rừng bù. Có nơi chủ đầu tư bố trí kinh phí để trồng bù rừng những địa phương lại không có quỹ đất.

Bộ TN&MT đang xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trên 4 lưu vực sông lớn thuộc khu vực miền Trung và Tây nguyên (gồm sông Ba, Sê San, Srê Pok và Vu Gia - Thu Bồn). Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan rà soát quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ; kiểm tra tình hình thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhằm đề xuất phương án điều tiết bảo đảm nhu cầu cấp nước ở hạ du trong mùa khô, yêu cầu chống lũ, giảm lũ và bảo đảm hiệu quả phát điện.

Sớm hoàn thiện thiết kế chi tiết hồ bùn đỏ

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết đã thành lập tổ giám sát môi trường đối với dự án “Nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ” và dự án “Tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng”. Tổ giám sát đã tiến hành khảo sát thực địa ba đợt và đã chỉ rõ những hạn chế và thiếu sót của chủ dự án trong công tác bảo vệ môi trường. Tổ giám sát đã xây dựng nhật ký bôxit Tây nguyên và đang tiếp tục cập nhật thường xuyên để cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý nhà nước và chủ dự án về công tác bảo vệ môi trường.

Tổ giám sát đã yêu cầu các chủ dự án sớm hoàn thiện thiết kế chi tiết hồ bùn đỏ; đặc biệt phải lường đến các sự cố có thể xảy ra, kể cả khả năng nước mưa chảy tràn và có những biện pháp tích cực ngăn chặn sự cố. Các chủ dự án đã thành lập các trung tâm lâm sinh với chức năng chủ yếu là thực hiện công tác hoàn thổ, hoàn nguyên sau khai thác bôxit.

Tổ giám sát đã yêu cầu các chủ dự án sớm triển khai các hoạt động cụ thể, khai thác đến đâu, hoàn thổ và hoàn nguyên đến đó; nghiên cứu và lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với vùng đất sau khai thác.

Nếu Vedan chây ì, sẽ xử lý nghiêm

Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại người dân do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải của Công ty TNHH Vedan, Bộ TN&MT cho biết đến nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và UBND TP.HCM đã và đang thống kê, yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại cho người dân.

Riêng Đồng Nai, việc triển khai của tỉnh rất chậm, đến nay tỉnh chưa có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện; việc thống kê thiệt hại của người dân là do dân tự kê khai và Hội Nông dân tỉnh tổng hợp. Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị khẩn trương hoàn thành thống kê thiệt hại, làm cơ sở yêu cầu Vedan bồi thường cho người dân…

Trong trường hợp Vedan có biểu hiện cố tình dây dưa, chây ì, không thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình khi đã có đầy đủ các căn cứ khoa học chứng minh, Bộ TN&MT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp xử lý nghiêm và hướng dẫn người dân khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Nguồn: tuoitre

 

 

Ý kiến góp ý: