TextBody

, 26/04/2025

Huy chương 2

Hội thảo khoa học: "Xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định cảnh báo sớm rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt cho tỉnh Quảng Trị và khu vực lân cận"

26/04/2025

Sáng 25/4/2025, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học Xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định cảnh báo sớm rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt cho tỉnh Quảng Trị và khu vực lân cận.

Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến xây dựng hệ thống cảnh bảo sớm rủi ro thiên tai, ngập lụt cho tỉnh Quảng Trị và khu vực lân cận” do PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo khoa học, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Về phía tỉnh Quảng Trị có Đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Đài khí tượng Thủy văn; Các nhà chuyên gia, khoa học  thuộc Viện Khí tượng Thủy Văn, Trường Đại học Thủy lợi, Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện; PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính,  TS. Phạm Văn Ban - Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Kế hoạch Tổng hợp và chuyên viên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa đã thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chào mừng các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự Hội thảo. GS.TS. Trần Đình Hòa cho biết đây là Hội thảo cuối kỳ, Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện mong muốn trình bày những kết quả, sản phẩm khoa học công nghệ chính nhằm xin ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là cơ quan sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài để có thể chỉnh sửa, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng tiến độ của Đề tài theo đề cương được phê duyệt, mang lại hiệu quả tốt nhất phục vụ cho quản lý và thực tế sản xuất.

Báo cáo đề dẫn về kết quả nghiên cứu của Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng - Chủ nhiệm Đề tài cho biết tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra khắc nghiệt đặc biệt là tỉnh Quảng Trị. Hằng năm tỉnh Quảng Trị là một trong những tỉnh miền Trung bị bão lũ, ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế xã hội, gây thiệt hại lớn đối với người và tài sản. Mặc dù đã có nhiều giải pháp công trình nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra có hiệu quả như nhóm giải pháp công trình ngăn lũ, phân lũ, di dời dân cư ra khỏi vùng lũ… tuy nhiên cần kinh phí lớn, thời gian để đầu tư. Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, giải pháp phi công trình như dự báo, cảnh báo sớm, truyền thông tin đóng góp rất nhiều trong việc cảnh báo sớm rủi ro thiên tai lũ ngập cho cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng và quan trọng với các cấp chính quyền.

Hiện nay, hệ thống cảnh bão lũ ở nước ta nói chung và Quảng Trị nói riêng còn nhiều hạn chế về tính tự động hóa, tốc độ xử lý, hiệu quả cảnh báo. Do vậy, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng khẳng định việc nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để xây dựng hệ thống cảnh bảo sớm, rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt cho cộng đồng một cách kịp thời, chính xác và trên phạm vi rộng (quy mô lưu vực, tỉnh…) đang trở thành một nhu cầu cấp thiết. Các cấp chính quyền và người dân từ đó có thể tiếp cận với nguồn thông tin đáng tin cậy và nhanh chống để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và kịp thời ứng phó khi có lũ lụt xảy ra.

Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ  tiên tiến xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt cho tỉnh Quảng Trị và khu vực lân cận” là hết sức cấp thiết, vừa mang ý nghĩa về lý luận và khoa học, vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cấp bách đang đặt ra.

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là xây dựng được bản đồ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt cho tỉnh Quảng Trị và khu vực lân cận phục vụ công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; Xây dựng được công nghệ tiên tiến cảnh báo sớm rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt chi tiết cho các khu vực nghiên cứu (đến cấp xã) theo thời gian thực dựa trên các bản tin dự báo khí tượng thủy văn; Xây dựng được công nghệ truyền tải thông tin cảnh báo thiên tai lũ, ngập lụt và đề xuất được các phương án ứng phó phù hợp hiệu quả.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu của Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng và nhóm thực hiện đã triển khai 06 nội dung nghiên cứu chính bao gồm khảo sát thực địa tổng quan, thu thập, phân tích các tài liệu cơ bản và đo đạc bổ sung thủy văn, địa hình khu vực nghiên cứu; Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ mô hình toán mô phỏng các quá trình thủy văn, thủy lực và ngập lụt cho khu vực nghiên cứu; Nghiên cứu nhận dạng đặc điểm hình thế thời tiết gây mưa lũ lớn, ngập lụt và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về lũ, ngập lụt; Nghiên cứu, phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt cho khu vực nghiên cứu; Nghiên cứu, xây dựng phần mềm và công nghệ truyền tải thông tin cảnh báo sớm rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt; Nghiên cứu xây dựng phương án ứng phó, tài liệu kỹ thuật hướng dẫn và đào tạo chuyển giao phần mềm công nghệ cảnh báo sớm rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt.

Các kết quả của Đề tài có thể kể đến đó là đã phân tích, đánh giá tình hình mưa lũ, các tổ hợp thời tiết mưa lũ gây ngập lụt cho khu vực nghiên cứu; Điều tra, khảo sát thu thập dữ và phân tích tài liệu; Xây dựng bộ công cụ tính toán ngập lụt và rủi ro ngập lụt dựa vào mô phỏng mô hình toán dựa vào cách tiếp cận quá trình vật lý; Xây dựng được phần mềm công nghệ tính toán cảnh báo sớm ngập lụt từ thông tin dự báo mưa khả thì với yêu cầu khẩn trương trong công tác PCTT; Xây dựng được công nghệ truyền tin trên trang WEB và điện thoại di động giúp truyền thông tin hữu ích đến các đối tượng vùng ảnh hưởng ngập lụt và rủi ro thiên tai; Đề tài đã phối hợp với chi cục Thủy lợi và PCTT tỉnh Quảng Trị áp dụng tính toán dự báo, cảnh báo trong mùa lũ năm 2024.

Tiếp theo báo cáo đề dẫn, các đại biểu đã được nghe 03 diễn giả là thành viên của nhóm thực hiện Đề tài báo cáo về đặc điểm ngập lụt, các tổ hợp kịch bản ngập lụt và xây dựng bộ mô hình tính toán ngập lụt tỉnh Quảng Trị và vùng lân cận; Nghiên cứu đánh giá rủi ro tổng hợp do lũ, lụt khu vực đồng bằng và ven sông tỉnh Quảng Trị; Xây dựng công nghệ tiên tiến cảnh báo sớm rủi ro thiên tai liên quan đến ngập lụt tỉnh Quảng Trị và vùng lân cận.

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá đây là Đề tài khó, khối lượng công việc và cơ sở dữ liệu nhiều. Đề tài đã thực hiện đầy đủ nội dung theo đề cương thuyết minh được duyệt. Chủ nhiệm Đề tài đã sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay, AI, học máy, đưa ra nhiều kịch bản khác nhau (282 kịch bản) cho bài toán hỗ trợ cảnh báo thiên tai, đáp ứng được yếu tố về thời gian, giúp công tác phòng tránh thiên tai hiệu quả hơn. Trong hệ thống cảnh báo sớm, ngoài công nghệ tính toán, còn tích hợp nhiều công nghệ khác như công nghệ truyền tải thông tin giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai có thể nhận được trực tiếp thông tin trên điện thoại di động, máy tính thông qua trang website, mạng xã hội. Đề tài cho kết quả tin cậy; Chủ nhiệm Đề tài đã chọn địa điểm hợp lý. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đề tài cần bổ sung sơ đồ khối để các báo cáo có tính liên kết với nhau; cần thống nhất các thuật ngữ sử dụng trong báo cáo; mô tả rõ hơn hệ thống sông ngòi tỉnh Quảng Trị và mối liên kết giữa các sông, mạng lưới khí tượng thủy văn trong lưu vực sông; làm rõ chất liệu, nguồn gốc, số liệu sử dụng liên quan đến hiểm họa, phơi bày, tổn thương…

Phát biểu tại Hội thảo, Đại diện cơ quan nhận bàn giao sản phẩm- Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị hy vọng sản phẩm của Đề tài khi bàn giao sẽ giúp cho các cán bộ chuyên môn và cơ quan chuyên môn có đủ cơ sở tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ra quyết định để chủ động trong việc ứng phó với thiên tai và cung cấp thông tin đến cho người dân đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

Đại diện cơ quan nhận bàn giao sản phẩm cũng đề nghị Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện cần xét thêm tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tích hợp thêm các trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (hơn 40 trạm đo mưa) trong phần mềm ứng dụng để quá trình thực hiện được đồng bộ; Bổ sung thêm quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương trong báo cáo.

“Khi thiên tai xảy ra đòi hỏi cả một hệ thống địa phương vào cuộc nên phần mềm sử dụng cần đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, ra kết quả nhanh chóng, chính xác”,  Đại diện cơ quan nhận bàn giao sản phẩm mong muốn.

Sản phẩm được sử dụng trên địa bàn của tỉnh Quảng Trị cũ mà công tác quản lý điều hành trong công tác phòng chống thiên tai đòi hỏi ứng dụng công nghệ cần đồng bộ, do vậy đại diện cơ quan nhận bàn giao sản phẩm đề nghị Chủ nhiệm Đề tài đề xuất Trung ương, các Bộ, ban ngành quan tâm mở rộng đề tài, hoàn thiện trên địa bàn của tỉnh Quảng Trị sau khi hợp nhất để thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai; có định hướng mở rộng đề tài sau bàn giao.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện làm rõ phương pháp, cách tiếp cận, cơ sở dữ liệu, số liệu, phạm vi nghiên cứu; bổ sung thêm thang chỉ mầu đối với vùng bị ngập lụt, phối hợp với địa phương-nơi sử dụng sản phẩm chuẩn bị báo cáo về sử dụng kết quả nghiên cứu, cách thức chuyển giao vào thực tế sản xuất…

GS.TS. Trần Đình Hòa đề nghị Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu có mặt tại Hội thảo để kết quả nghiên cứu của Đề tài có thể phục vụ cho quản lý, sản xuất, người dân một cách tốt nhất.

Ý kiến góp ý: