Họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu các giải pháp huy động cộng đồng tham gia quản lý môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm"
16/05/2013Ngày 15/5/2013, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu các giải pháp huy động cộng đồng tham gia quản lý môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm" do ThS. Vũ Quốc Chính - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường làm chủ nhiệm đề tài.
Trong những năm gần đây, các kết quả nghiên cứu về môi trường trong chăn nuôi ở nước ta mới chỉ tập trung đánh giá thực trạng về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và những tác động đến sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng giải pháp để xử lý chất thải chăn nuôi chủ yếu là sử dụng công nghệ sinh học như bể biogas, ủ đống yếm khí, xử lý bằng hệ thực vật, sử dụng chế phẩm vi sinh EM... Đây đều là những công nghệ đơn giản, không quá tốn kém và người dân hoàn toàn có thể thực hiện được. Một số nghiên cứu khác đã đề cập đến giải pháp quy hoạch, thiết kế khu chăn nuôi tập trung, kỹ thuật xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, tập huấn kỹ thuật...
Tuy nhiên các nghiên cứu này chưa đề cập nhiều đến năng lực quản lý của các cấp địa phương, giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng và các chính sách khuyến khích, biện pháp chế tài để cộng đồng tham gia quản lý môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong khi đó, nghề chăn nuôi ở nước ta phổ biến là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, phân tán trong khu dân cư thì vai trò của cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường. Người dân cần phải hiểu biết về những tác hại của ô nhiễm môi trường do chăn nuôi đến sức khỏe và sản xuất của chính họ, đồng thời nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ môi trường để có thể thay đổi hành vi và thói quen lạc hậu trong chăn nuôi. Những tồn tại trên cũng đã được Cục chăn nuôi và các cơ quan chuyên môn thừa nhận, vấn đề cấp thiết hiện nay là tăng cường giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường và quan trọng là có biện pháp huy động được sự tham gia của cộng đồng mới có thể giải quyết các vấn đề triệt để và tiết kiệm chi phí cho Nhà nước. Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu các giải pháp huy động cộng đồng tham gia quản lý môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm” được thực hiện để góp phần khắc phục các tồn tại nêu trên, từng bước giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô hộ gia đình và trang trại vừa và nhỏ.
Mục tiêu của đề tài: đánh giá được thực trạng các chính sách và vai trò của cộng đồng trong quản lý môi trường chăn nuôi; đề xuất được các chính sách và giải pháp huy động cộng đồng tham gia quản lý môi trường trong chăn nuôi; xây dựng được các mô hình thí điểm về áp dụng chính sách và giải pháp huy động cộng đồng trong chăn nuôi khu vực miền Bắc và chuyển giao vào thực tiễn.
Đề tài đã đánh giá được những tồn tại trong công tác quản lý môi trường trong chăn nuôi thông qua kết quả điều tra tại 6 tỉnh; đề xuất các giải pháp về thể chế chính sách, tổ chức quản lý, công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải, sử dụng chất thải trong nông nghiệp, sản xuất sạch trong chăn nuôi, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và năng lực quản lý của địa phương; đề xuất nội dung chính sách huy động cộng đồng quản lý môi trường trong chăn nuôi; đề xuất một số mô hình cộng đồng quản lý môi trường trong chăn nuôi như mô hình HTX chăn nuôi, câu lạc bộ chăn nuôi, nhóm nông, trang trại tự quản. Ngoài ra kết quả của đề tài cũng khuyến cáo sử dụng chế phẩm EM và ENMUNIV để khử mùi hôi chuồng trại do hiệu quả xử lý cao, chi phí thấp, người chăn nuôi có thể áp dụng và khuyến cáo tách phân rắn để ủ compost tận thu làm phân bón vừa tăng thu nhập vừa giảm tải lượng, nâng cao hiệu quả xử lý cho các bể biogas. Chất thải sau xử lý bẳng bể biogas cần được tiếp tục xử lý bằng sinh học tự nhiên như bãi lọc trồng cây hoặc hồ sinh học trước khi sử dụng để nuôi cá và bón cho cây trồng.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao kết quả của Đề tài, đề tài đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn, với nhiều kết quả phân tích đánh giá và kết luận có cơ sở khoa học, phản ánh đúng thực trạng tình hình quản lý môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa bàn nghiên cứu. Đề tài đã đề xuất được các giải pháp huy động cộng đồng tham gia quản lý môi trường trong chăn nuôi đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu được ảnh hưởng ô nhiễm do chăn nuôi. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với Chủ nhiệm đề tài như chỉnh sửa lại một số Chương của Đề tài, bổ sung thêm tư liệu; bổ sung một số mô hình chăn nuôi ở khu vực phía Nam vì khu vực phía Nam có nhiều điểm nóng ô nhiễm do chăn nuôi tập trung.
Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa báo cáo theo ý kiến của Hội đồng. Đề tài nghiệm thu đạt loại khá.
Ý kiến góp ý: