TextBody

, 25/12/2024

Huy chương 2

Nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu lựa chọn công thức vận chuyển bùn cát phù hợp với sông Hồng và xác định quá trình lan truyền của sóng qua rừng ngập mặn ven biển Hải Phòng - Thanh Hóa

29/03/2013

Ngày 22/3/2013, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu lựa chọn công thức vận chuyển bùn cát phù hợp với sông Hồng và xác định quá trình lan truyền của sóng qua rừng ngập mặn ven biển Hải Phòng - Thanh Hóa" do ThS. Hồ Việt Cường làm chủ nhiệm đề tài.

Mục tiêu của đề tài xác định được công thức tính toán vận chuyển bùn cát phù hợp với sông Hồng (trên cơ sở kiểm nghiệm và đánh giá các công thức phổ biến nhất đã được tính hợp trong các bộ công cụ mô hình toán) và xác định được cơ chế giảm sóng qua rừng ngập mặn và đánh giá tác dụng giảm sóng của chúng tại vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.

Tính toán vận chuyển bùn cát trong sông là một vấn đề cốt lõi để nghiên cứu quy luật diễn biến lòng dẫn. Việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công thức tính toán vận chuyển bùn cát cho đến nay vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới với sự hỗ trợ của các thiết bị đo đạc, thí nghiệm, tính toán mô phỏng hiện đại. Việc nghiên cứu này là tiền đề cho việc tính toán dự báo xu thế xói lở, bồi lắng và diễn biến lòng dẫn từ đó làm cơ sở cho việc thiết kế các công trình chỉnh trị sông. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của ngành điện toán với các thuật toán giải số, nhiều hệ phương trình vật lý và toán học phức tạp đã được mô phỏng thành công thông qua các chương trình máy tính điện tử, trong đó có các công thức thực nghiệm về tính toán mô phỏng quá trình vận chuyển bùn cát của dòng sông, một số công thức đã được tích hợp vào trong các phần mềm tính toán thông qua các mô hình toán 1 chiều, 2 chiều hoặc 3 chiều. Việc sử dụng các công cụ này có ưu điểm là cho kết quả tính toán nhanh, có thể mô phỏng bằng nhiều công thức khác nhau đã được tích hợp sẵn trong các mô hình. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào về độ chính xác và khả năng phù hợp của từng công thức khi áp dụng các bộ công cụ mô hình toán trong nghiên cứu vận chuyển bùn cát và dự báo diễn biến hình thái cho các con sông ở Việt Nam. Vì vậy, việc đề xuất lựa chọn công thức vận chuyển bùn cát  phù hợp với sông Hồng là hết sức cần thiết, kết quả này sẽ là cơ sở khoa học để kiến nghị việc lựa chọn công thức tính toán bùn cát phù hợp nhất cho sông Hồng.

Việt Nam, từ lâu người ta biết đến tác dụng chắn sóng của rừng ngập mặn và hầu hết những công trình nghiên cứu về rừng ngập mặn đều đề cập đến tác dụng chắn sóng. Tuy nhiên, những nghiên cứu sâu về vai trò chắn sóng của rừng ngập mặn thì còn rất ít, các kết quả vẫn chủ yếu dựa vào các công thức bán kinh nghiệm được rút ra trên cơ sở khảo sát còn tương đối thiếu đồng bộ và được thống kê với độ dài thời gian còn hạn chế. Phần nghiên cứu cơ chế tương tác giữa rừng ngập mặn và sóng trong mô phỏng bằng mô hình vật lý và mô hình toán không được đề cập nhiều trong nghiên cứu, chính vì vậy nhóm đề tài đã nghiên cứu xác định mức độ giảm sóng của rừng ngập mặn  bằng phương pháp mô phỏng quá trình tương tác giữa chúng và sóng trên mô hình vật lý tại vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa

Sau gần 01 năm thực hiện nghiên cứu đề tài đã đạt được các kết quả như:

- Đưa ra được bộ số liệu, cơ sở dữ liệu liên quan đến vận chuyển bùn cát sông Hồng (lưu lượng, mực nước, khai thác cát, trọng điểm sạt lở…); đưa ra được phương pháp tính toán vận chuyển bùn cát trong sông và việc tích hợp các công thức tính toán trong các mô hình toán; công thức tính toán vận chuyển bùn cát, bùn cát đáy, bùn cát lơ lửng phù hợp với sông Hồng là công thức Engelund – Hansen.

- Kết quả nghiên cứu trên mô hình máng thí nghiệm sóng được thực hiện của Đề tài đã làm rõ cơ chế tương tác giữa rừng ngập mặn và sóng tới thông qua hệ số cản sóng Cd. Rút ra qui luật biến đổi của hai hệ số Cd và hệ số giảm sóng kt phụ thuộc vào các điều kiện biên động lực (sóng,mực nước) cũng như sự thay đổi của các thông số rừng ngập mặn. Dựa trên các kết quả thực nghiệm thu được đã xác định được trị số và tổng hợp phân tích được một số qui luật biến động hai hệ số trên trong quá trình tương tác giữa sóng và rừng ngập mặn.

Thay mặt Hội đồng PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài, đề tài có hàm lượng khoa học, có tính thực tiễn cao. Đã thực hiện nhiều phương pháp tính, phương pháp thí nghiệm vượt yêu cầu đặt hàng. Kết quả nghiên cứu đã kế thừa và hoàn thiện hơn những cái đã có ở trong nước và quốc tế; có thể áp dụng vào tính toán thực tế thiết kế đê biển, tính toán vận chuyển bùn cát trên sông Hồng và đăng ký giải pháp hữu ích đối với việc xác định quá trình lan truyền của sóng qua rừng ngập mặn ven biển. Đã góp phần đào tạo cán bộ cho đơn vị và được đăng tải trên tạp chí có uy tín. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu nhóm thực hiện bổ sung báo cáo tổng quan, luận giải thêm về phạm vi và mục đích nghiên cứu; chuẩn hóa các thuật ngữ, chặt chẽ về khoa học, cần xem xét thêm về bùn cát, sử dụng thống nhất công thức cho 03 bước: kiểm định, hợp chỉnh và dự báo; hệ số suy giảm sóng và mức độ sinh trưởng của thảm thực vật

Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm chỉnh sửa báo cáo theo các ý kiến góp ý của Hội đồng. Đề tài đạt nghiệm thu loại khá

 

Ý kiến góp ý: