TextBody

, 03/12/2024

Huy chương 2

Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu ứng dụng giải pháp cấp nước hữu hiệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất vùng di dân tái định cư hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ tỉnh Lai Châu"

18/10/2012

Ngày 10/10/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu ứng dụng giải pháp cấp nước hữu hiệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất vùng di dân tái định cư hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ tỉnh Lai Châu" do Viện Thủy công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện. Chủ nhiệm dề tài: PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng

Hội đồng KH&CN cấp Nhà nước đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp thiết mới phát sinh ở địa phương gồm có 9 đồng chí: TS. Nguyễn Đình Ninh làm chủ tịch Hội đồng kiêm Tổ trưởng tổ chuyên gia, PGS.TS Lê Bắc Huỳnh – Phó chủ tịch, các Uỷ viên phản biện kiêm Tổ viên tổ chuyên gia: PGS.TSKH Vũ Cao Minh, GS.TS Phạm Ngọc Qúy và các Uỷ viên khác: TS Vũ Hồng Sơn, PGS.TS Vũ Đình Hùng, ThS Lương Ngọc Chung, CN Vũ Ngọc An, KS Vũ Văn Luật.

Cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn là một vấn đề đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 về việc Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Đối với các vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La, cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất là một nhiệm vụ hết sức cấp bách. Nhiều giải pháp cấp nước đã được triển khai, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Giải pháp công trình hiện tại bộc lộ sự bất cập, chưa thích ứng và bền vững với thiên nhiên. Các đập dâng thường bị bồi lấp bởi cuội sỏi sau một vài mùa mưa lũ; Hồ treo tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, đuối nước với trẻ và gặp khó khăn trong quản lý, hệ thống đường ống dẫn nước thường lấp tắc hoặc bị chặt phá. Vào mùa khô, lòng suối cạn kiệt làm cho hệ thống cấp nước bị tê liệt….. Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp thu - cấp nước có khả năng giải quyết các vấn đề tồn tại trên. Nhóm nghiên cứu Đề tài do PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng làm chủ nhiệm vốn đã có nhiều kinh nghiệm với các dự án cấp nước cho các tỉnh miền núi phải tìm tòi, lăn lộn nhiều ngày tại hiện trường, tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán của người dân và đặc biệt là nguyên nhân do đâu mà khá nhiều công trình cấp nước sinh hoạt hiện có chỉ sau vài năm đã hư hỏng và tê liệt hoàn toàn. Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng giải pháp cấp nước hữu hiệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất vùng di dân tái định cư hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ tỉnh Lai Châu" hoàn thành đã đạt kết quả trên sự mong đợi vì tính thực tiễn rất cao, có triển vọng phát triển và nhân rộng trong các vùng miền núi và Trung du.

Từ những ý tưởng hết sức mới và kinh nghiệm sẵn có, các hướng tiếp cận vấn đề tập chung cho 3 nội dung:  1- Cải tiến về kết cấu công trình đầu mối và công trình thu lọc nước , 2- Tạo được nguồn cấp phù hợp cho vùng khan hiếm nước, 3.  - Cải tiến về quy mô công trình cấp phù hợp với điều kiện tập quán sinh sống và trình độ tổ chức quản lý của đồng bào dân tộc vùng cao. Nhóm đề tài đã nghiên cứu các biện pháp thu nước bằng Tường hào thu nước mái đồi, và thu nước bằng Đập ngầm trên suối, biện pháp kết hợp với Hồ treo để cấp nước. Cả ba giải pháp này có một mấu chốt quan trọng là ứng dụng giải pháp thu gom nước trong đất tầng nông bằng các dải băng có cấu tạo đặc biệt, đặc biệt cơ cấu thu nước đặt hoàn toàn được đặt dưới lòng đất. Mô hình được xây dựng tại Chăn Nưa và Nậm Cha đã thu được những kết quả ngoài mong đợi. Thực tế cho thấy, công trình đảm bảo hoạt động và cấp nước trong cả mùa khô và mùa mưa, chất lượng nước theo kết quả phân tích các mẫu nước lấy trong tháng 2/2012 (mùa khô) và tháng 6/2012 (mùa mưa) cho thấy nước đạt đủ các tiêu chuẩn theo TCVN 02/BYT. Về chi phí đầu tư bao gồm: Đầu mối + đường ống HDPE 3km + bể chứa tập trung 10m3 có mức bình quân là 7 triệu đồng/hộ ( hoặc 1,4 triệu đồng/người). Đây là mức đầu tư rất thấp so với tình hình chung khu vực miền núi.

Đề tài được Hội đồng đánh giá là hoàn thành nội dung, tiêu chí về mặt số lượng sản phẩm là đủ,  sản phẩm về số lượng bài báo vượt chỉ tiêu. Chất lượng đáp ứng được yêu cầu. Sản phẩm của đề tài đã đăng ký bản quyền sáng chế và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký. Đề tài có tính thực tiễn, sáng tạo, ứng dụng cao, công trình xây dựng có suất đầu tư xây dựng thấp, Quản lý và vận hành đơn giản, .. PGS.TSKH Vũ Cao Minh đưa ra đánh giá Công trình không chỉ đạt cấp độ phạm vi trong nước mà là cả ở nước ngoài. Tuy nhiên dù đề tài có cơ sở thực tiễn cao nhưng hàm lượng cơ sở lý luận khoa học cần bổ sung thêm làm tăng tính thuyết phục và dự báo được tiềm năng ứng dụng của đề tài trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Một số kiến nghị của Hội đồng:

- Tư vấn cần phối hợp và hỗ trợ để quản lý, vận hành công trình

- Theo dõi an toàn công trình sau mùa lũ

-  Tạo nguồn vật tư chủ động để xây dựng công trình (băng thu nước)

- Tiếp tục để thực hiện dự án P

- Đề nghị Bộ KH&CN chuyển giao cho Bộ NN&PTNT triển khai ứng dụng và nhân rộng cho các địa bàn có điều kiện phù hợp

-  Một số lỗi nhỏ về cách trình bày trong các báo cáo cần sửa chữa.

Sau khi họp và thảo luận, Hội đồng đã nhất trí Đề tài đạt loại khá. Điểm Trung bình là 85,5 điểm.

Ý kiến góp ý: