TextBody

, 27/11/2024

Huy chương 2

Viện Thủy công đưa nước về vùng "đất khát"

31/07/2012

Xã Mù Sang, điểm cực bắc của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là một trong những vùng đói khát nhất nước hiện nay. Những người dân sống ở đây quanh năm nơm nớp lo đối phó với cái đói, cái khát. Cũng bởi khí hậu khắc nghiệt mà nước sạch sinh hoạt vô cùng khan hiếm. Các nhà khoa học Viện Thủy công - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với Báo Tuổi trẻ thủ đô, Ban công tác Thanh niên Quân đội chọn Mù Sang làm điểm đến đầu tiên trong chương trình Quà Tặng biên cương nhằm "giải nhiệt" cho những vùng "khát cháy".

Nơi cỏ cây, sông suối không sống nổi vì khát

Chúng tôi có mặt ở Mù Sang vào những ngày tháng 6 năm 2012. Bây giờ đang giữa mùa hạ, nắng gay gắt như thiêu, như đốt. Trên Mù Sang Cao, cái cây, cái cỏ như lả đi vì khát. Những con suối cạn nằm trơ đáy khiến cái nóng càng trở nên bức bối. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một bé gái chừng 15 tuổi, cõng trên lưng chiếc can 10 lít nước, đôi bàn chân bầm tím, lấm lem khiến ban đầu chúng tôi không thể phân biệt được đâu là đất cát, đâu là chân em. Đó là em Liều Thị Xế con ông Liều A Lâu ở bản Sín Chài. Ông cho biết em vừa đi lấy nước về. Gia đình ông có 3 hộ, tổng cộng 14 miệng ăn trong đó có 8 đứa trẻ. Dù có chăm chỉ đến mấy, có nghề tay trái là bốc thuốc nam chữa bệnh nhưng cũng chưa bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo và nỗi ám ảnh về cái khát. Nơi em Xế xuống lấy nước là những nơi cheo leo, hiểm trở, nơi ấy có các mó nước trên sườn núi đá tai mèo xanh thẫm, dựng đứng, cách xa nhà hơn bốn cây số đường núi. Hàng ngày em phải đội nắng, đội gió, còng lưng cõng theo chiếc can 10 lít. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì có lẽ những bước chân nặng nề cõng nước của em nhiều hơn những bước chân tới trường, vui chơi. Nhưng đối với người dân ở Bản, đây là công việc đã quá quen thuộc. Già Vàng Cha Túa đã bước sang tuổi 67 nhưng ngày nào cũng phải đi kiếm nước. Chủ tịch xã Mù Sang, Lừu A Sải ngân ngấn nước mắt nói với chúng tôi: “Tôi nhìn người dân ở đây quanh năm vượt suối, trèo non đi lấy nước về sinh hoạt, thấy đau lòng lắm nhưng không biết làm thế nào…”

Bản Sín Chài có 64 hộ gia đình. Cuộc sống của 64 hộ dân ở đây chìm trong cái vòng luẩn quẩn thiếu ăn và khát nước. Cũng bởi nơi đây, tổng diện tích đất canh tác là 701 ha, chỉ có 166 ha trồng lúa, 320 ha trồng ngô, khoai sắn, mà mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ vì thiếu nước tưới.

Đi cạnh tôi là PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công, người đã nhiều năm lăn lộn với chương trình nước sạch vùng cao. Trong đợt công tác lần này, anh cùng với gần 10 cán bộ Viện Thủy công hành trình lên xã Mù Sang Cao mang theo 2 bể composite 15 m3, 20 bể 2 m3 cùng nhiều quà tặng có giá trị khác cho đồn biên phòng Dào San, trường tiểu học Mù Sang và bà con dân tộc xã Mù Sang. Anh cho biết, khi báo Tuổi trẻ Thủ đô phát động chương trình Quà tặng biên cương đã mời Viện Thủy công tham gia với tư cách là đơn vị tư vấn kỹ thuật cho chương trình. Khác với trước đây trao tặng bằng tiền hoặc mì tôm, sách bút... Chương trình lần này muốn trao tặng đồng bào những món quà có ý nghĩa nhất. Đối với đồng bào vùng biên cương biên giới phía Bắc, có lẽ nước còn quý hơn cả điện.

Nước đã về nơi khát cháy

Nhìn dòng nước trong vắt chảy ra từ bể composite, nghe rất vui cái tai, người dân ở đây vẫn không thể tin nổi mơ ước bao đời đã trở thành hiện thực. Dòng nước trong mát như gột sạch bao nỗi nhọc nhằn. Những nếp nhăn trên khuôn mặt già Vàng Cha Túa như dãn ra, nụ cười rạng rỡ, già hồ hởi: “Vui lắm rồi. Vậy là cả bản ta bớt khổ rồi”. Bàn tay run run sờ khắp thành bể, trưởng bản Vàng Su Bủa lặng người hồi lâu mới thốt được nên lời: “Ơn cán bộ nhiều nhiều lắm…”.

Trường tiểu học Mù Sang đóng trên bản Sín Chài hôm nay sao vui đến thế. Thầy giáo Vàng Văn Hưng như cất được một gánh nặng trên vai mình. Từ nay, thầy và trò không phải dắt díu nhau xuống núi lấy nước. Gắn bó với cái chữ, với các em nhỏ miền núi nhưng cuộc sống quá thiếu thốn đã khiến nhiều khi thầy muốn bỏ cuộc. Nhưng trước sự quan tâm của các nhà khoa học, bà con vùng xuôi thầy cũng thấy yên cái dạ.

Vui nhất vẫn là những đứa trẻ, các em như tìm lại được tuổi thơ, những đôi mắt sáng long lanh, miệng nói líu lo, tay chỉ trỏ cười đùa, đôi bàn chân như mừng rỡ hơn cả, chúng nhảy nhót xung quanh bể nước, thích thú khi dòng nước tuôn trào trắng xóa từ chiếc vòi trên tay thầy giáo mình. Với chúng, không có gì vui bằng từ nay không phải theo người lớn đi cõng nước. Các em có thêm thời gian để học tập và vui chơi. Với người dân bản Sín Chài đây là một điều kỳ diệu. Cái nước ở xa thế mà bây giờ đã về với bà con. Những chiếc bể composite vừa nhẹ, vừa bền đã được chế tạo sẵn trong xưởng, vận chuyển đến trung tâm xã lắp ghép để bà con tự khiêng về thật tiện lợi. Có nước rồi, bà con nhắc nhở nhau cùng sử dụng tiết kiệm để có nước ăn đủ quanh năm.

Tạm biệt Mù Sang, văng vẳng đâu đây vẫn còn tiếng reo hò của các em nhỏ. Bà con nơi đây đã có thể mơ về một cuộc sống tươi sáng hơn. Những cán bộ, những nhà khoa học trẻ của Viện Thủy công đã trải qua những ngày đầy cảm xúc ở đây. Cái nắng, cái gió của Mù Sang khiến nước da các anh đen hơn nhưng lòng cũng ấm áp hơn khi khoa học đã đến thật gần gũi với cuộc đời. Dẫu biết rằng, còn nhiều bản làng vùng cao cũng đang khát, cần sự chung tay góp sức của cả xã hội mới giải quyết được. Trách nhiệm với cộng đồng thôi thúc các anh sẽ còn đi tới nhiều nơi nữa, mang nước tới những nơi khô cằn, khát cháy. Nói như Viện trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Viện Thủy công lúc nào cũng sẵn sàng chung tay giải quyết “cơn khát vùng cao”. Đó cũng là cách các anh tri ân với bà con vùng cao đã bám bản, giữ vững biên cương của Tổ Quốc.

Theo Tỉnh Thanh - Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: